Mô hình sản xuất dược liệu gắn với du lịch trải nghiệm của chị Hoàng Thị Lệ Diễm, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Sơn (xã Ninh Tiến, TP. Ninh Bình), với 2 giống cây trồng chủ lực là hoa cúc chi và hoa hướng dương, đang cho giá trị kinh tế cao.
Đổi mới tư duy
Chị Diễm cho biết trước đây, gia đình chị cấy lúa trên 2 mẫu ruộng. Từ năm 2017, gia đình áp dụng mô hình trồng cúc chi, cúc tiến vua trên diện tích 1,8 ha. Mô hình được triển khai theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn sinh thái, phân bón từ phân trùn quế nên kết quả thu được cho giá trị tốt, tính dược cao.
Đặc biệt, với mô hình cúc chi, khi đến vụ hoa nở rộ, gia đình mở thêm dịch vụ du lịch cho du khách tới tham quan, chụp ảnh. Thu nhập từ mô hình trồng hoa kết hợp du lịch trải nghiệm của gia đình chị Diễm đạt trung bình 700 - 800 triệu đồng/ha, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động địa phương.
Những đổi mới trong tư duy đang giúp nhiều nông dân ở Ninh Bình làm giàu. |
Đáng chú ý, kể từ cuối năm 2020, chị Diễm cùng các thành viên HTX Hoàng Sơn đã chủ động nhân rộng mô hình gieo trồng cây cúc thảo dược với diện tích hơn 1,5 ha, nghiên cứu cách để nhân giống hoa và chú trọng xây dựng sản phẩm hoa kim cúc, cúc chi trở thành sản phẩm chủ lực.
Không chỉ thành công với các loại cây trồng mới như cúc dược liệu, hành sâm, các loại cây trồng truyền thống cũng đang mang lại giá trị cao cho thành viên và hộ liên kết của HTX Hoàng Sơn.
Bên cạnh HTX Hoàng Sơn, trên địa bàn xã Ninh Tiến hiện có 3 HTX khác đang hoạt động khá hiệu quả, gồm HTX Tiên Tiến, HTX Thành Công và HTX Phúc Sơn. Các HTX đều gắn với mô hình lúa-cá, hoa dược liệu gắn với phát triển du lịch, mô hình trồng cây lưu niên như bưởi, ổi, các loại rau theo mùa vụ và cây củ như khoai tây Thái Lan...
Kết quả thực tế cho thấy, các mô hình kinh tế của xã Ninh Tiến hiện đều đang phát triển ổn định, cho thu nhập từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/năm. Ngoài làm nông nghiệp, sau thời vụ, nhiều người dân còn làm thêm tại các nhà hàng, làm các loại dịch vụ, mang lại thu nhập bình quân 3,5 - 7 triệu đồng/tháng.
Đẩy mạnh liên kết
Tương tự, tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, để nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang đẩy mạnh liên kết, phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, đặc biệt là phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Hợp Tiến đang được đánh giá là đơn vị điển hình của kinh tế hợp tác tỉnh Ninh Bình. Hiện, HTX Hợp Tiến có gần 1.200 thành viên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 360 ha.
Những năm gần đây, HTX luôn đi đầu trong vận động thành viên dồn điền, đổi thửa kết hợp chỉnh trang, sắp xếp lại đồng ruộng, cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. Nhờ đó đã giảm số thửa bình quân/hộ từ 3,88 thửa xuống còn 1,3 thửa/hộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm chi phí lao động 250-300 nghìn đồng/sào.
Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Hợp Tiến cho biết, nhằm đảm bảo cho thành viên yên tâm sản xuất, HTX đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối, chế biến nông sản tiêu thụ sản phẩm với sản lượng từ 300 - 400 tấn thóc/năm và đang tiếp tục mở rộng, phát triển dịch vụ này. Thu nhập bình quân đầu người của thành viên HTX hiện đạt 65 - 70 triệu đồng/năm.
Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đang chú trọng thúc đẩy chuỗi giá trị gắn với công nghệ cao. |
Không chỉ là hiện tượng cục bộ, phong trào liên kết, thành lập HTX để nâng cao nội lực sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh đang ngày càng lan rộng và cho thấy hiệu quả vượt trội ở Ninh Bình. Cụ thể, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 372 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX, 164 tổ hợp tác, bảo đảm việc làm cho khoảng 6.000 người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội ở các địa phương trong tỉnh.
Khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh đã thu hút hơn 337 nghìn thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân tham gia. Không chỉ sản xuất nông nghiệp, các HTX còn góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khi chủ động tham gia sâu vào chuỗi liên kết sản xuất từ hoạt động sản xuất đến chế biến sâu sản phẩm nông sản, làm tăng giá trị sản phẩm sản xuất ra và bảo đảm thị trường đầu ra ổn định cho nông sản, hàng hóa.
Bên cạnh đó, có không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ thành viên.
Thúc đẩy chuỗi giá trị
Với điểm tựa từ khu vực kinh tế hợp tác, HTX, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị, từ đó nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân tại các địa phương. Cũng nhờ các chuỗi giá trị, sản phẩm nông sản của tỉnh ngày càng vươn xa, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Toàn tỉnh có 74 chuỗi liên kết với tổng diện tích liên kết hàng năm là hơn 2.700 ha với hơn 122 nghìn tấn sản phẩm đã được cung ứng thông qua các hợp đồng liên kết. Không ít chuỗi liên kết đang lấy các HTX làm “đầu tàu” dẫn dắt.
Điển hình như HTX Đồng Xuân Tiến, huyện Yên Khánh ký hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Giống cây trồng 1 sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao và lúa giống với quy mô 200 ha; HTX Hợp Tiến, huyện Yên Khánh ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Á Châu (TP. Tam Điệp) và Công ty Phú Hương (Hà Nội) thực hiện bao tiêu sản phẩm các loại như: ngô, dưa bao tử và khoai tây...
Bên cạnh xây dựng các chuỗi giá trị, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm đến phát triển xanh, phát triển bền vững trong nông nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống.
Đến nay, toàn tỉnh đã mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản theo hướng hữu cơ trên 1,5 nghìn ha (sử dụng phân hữu cơ, áp dụng phương thức mạ khay, máy cấy). Diện tích rau được sản xuất theo hướng hữu cơ tăng qua từng năm.
Hướng tới nền sản xuất "thuận thiên", các địa phương trong tỉnh cũng đã và đang chuyển đổi nhiều diện tích cấy lúa 2 vụ bấp bênh sang sản xuất một vụ lúa một vụ cá... Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn hấp dẫn.
Mỹ Chí