Mỗi năm, HTX Quảng Trực thu mua khoảng 80 tấn mắc ca tươi. Sản phẩm hạt mắc ca Mơ Nông của HTX tuy mới ra mắt được hơn một năm, nhưng bước đầu được thị trường đón nhận. Hiện tại, HTX đã mở 6 cửa hàng tại Đắk Nông và các thị trường lớn như Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM.
Điểm tựa cho nông dân
Theo Giám đốc HTX Nguyễn Anh Tuấn, vì đang liên kết với các hộ đồng bào dân tộc M'nông trồng mắc ca, nên HTX đã chọn đặt tên sản phẩm là hạt mắc ca Mơ Nông để xây dựng thương hiệu.
Năm 2022, sản phẩm mắc ca của HTX được công nhận đạt 3 sao Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Đắk Nông, qua đó giúp nâng cao giá trị lao động của bà con M'nông trồng mắc ca.
HTX đang là điểm tựa của nhiều nông dân ở Đắk Nông (Ảnh BĐN). |
Đây là kết quả bước đầu của HTX trong việc thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập cho các hộ thành viên cũng như đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, nhiều bà con dân tộc M'nông ở xã Quảng Trực nói riêng và huyện Tuy Đức đã thoát nghèo và làm giàu với mức thu nhập bình quân 80-220 triệu đồng/năm.
Cùng với mắc ca, cây cà phê cũng là một trong những cây kinh tế chủ lực của nông dân Đắk Nông. Đáng chú ý, những năm qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, các hộ trồng cà phê đã tích cực đổi mới phương thức canh tác theo hướng canh tác xanh gắn với chuỗi giá trị.
Đây cũng là cách làm mà HTX Nông sản hữu cơ BeChamp Đắk Nông, xã Trường Xuân đang áp dụng. Hiện, sản phẩm hồ tiêu của HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông đã đạt chứng nhận hữu cơ. Những diện tích này đang được trồng xen với cây cà phê, HTX đang hoàn thiện các quy trình sản xuất để tiến tới được công nhận hữu cơ cho sản phẩm cà phê.
Anh Nguyễn Văn Thủy, thành viên HTX, từng tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật ủ phân, thuốc từ phế phẩm nông nghiệp. Gia đình anh có 3ha cà phê, hồ tiêu hoàn toàn được chăm sóc bằng phân bón, thuốc sinh học tự ủ. Với 2.000 cây cà phê, năm vừa rồi, anh thu hoạch được 8,5 tấn cà phê nhân; 700 cây hồ tiêu cũng mang lại bình quân mỗi năm khoảng 3 tấn hạt.
Kết nối với doanh nghiệp
Từ hiệu quả sản xuất của mình, thời gian qua, anh Thủy đã dành nhiều thời gian hướng dẫn bà con nông dân tự làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chăm sóc cây trồng. Nông dân dễ hiểu, dễ làm, rất hào hứng với cách chia sẻ kỹ thuật kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại vườn của HTX BeChamp Đắk Nông. Từ đó, giá trị sản xuất cà phê của người dân ngày càng được nâng lên.
HTX Công bằng Thuận An cũng đang là điển hình trong liên kết thành viên trồng cà phê theo hướng hữu cơ, cho giá trị hàng chục tỷ đồng/năm. Hiện nay, HTX đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con, nông dân...
Ông Võ Lý, một thành viên của HTX chia sẻ: “Từ khi HTX liên kết sản xuất với doanh nghiệp, cà phê của gia đình luôn được bán cao hơn thị trường. Tôi được hướng dẫn, tập huấn việc sản xuất cà phê an toàn, tiết kiệm và chất lượng nhất. Nhờ thế mà những năm qua, gia đình tôi không còn lo tình trạng thất thường của giá cà phê”.
Các HTX sẽ là cầu nối để nông dân tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị (Ảnh: BĐN). |
Đến nay, HTX có 112 thành viên, nhờ việc tổ chức sản xuất bài bản sản lượng cà phê trên diện tích 480 ha của các thành viên luôn ổn định ở mức cao, bình quân đạt 674 tấn/vụ, mang lại doanh thu từ 11-18 tỷ đồng/năm.
Không chỉ với những cây lâu năm, các HTX còn là cầu nối liên kết nông dân sản xuất các loại cây ngắn ngày. Điển hình, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong) đang triển khai trồng các loại cây mà HTX chuyên canh như: cà tím, cà chua, bí ngòi…
Thành viên và nông dân liên kết với HTX được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc, hiệu quả đã thay đổi rõ rệt. Theo lãnh đạo HTX này, một trong những “bí quyết” giúp cho sự liên kết của HTX với các hộ thành viên ở đây thành công là HTX đã chú trọng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, các thành viên khi tham gia HTX sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng sản xuất hiện đại.
Nhờ vậy, dù chỉ mới thành lập được hơn 2 năm nhưng HTX đang trở thành một điển hình trong câu chuyện liên kết giữa HTX và nông dân. Mỗi năm sản xuất ra hàng trăm tấn rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho thị trường.
Hiện nay, HTX có 8 thành viên chính thức, 30 ha đất sản xuất và 30 hộ liên kết với khoảng 60 ha đất. Các loại cây trồng được HTX đưa vào sản xuất là rau xanh, cà tím, củ cải, cà chua, chuối sứ (chuối hương) trồng xen với cây ăn quả như sầu riêng, nhãn, mắc ca…
Định hướng đi bền vững
Những năm qua, các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp như kinh tế hộ, trang trại, HTX, doanh nghiệp... luôn được củng cố và không ngừng phát triển ở Đắk Nông. Đặc biệt, các HTX đã tích cực triển khai các giải pháp chế biến sâu, liên kết đầu ra, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, các hoạt động tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được tỉnh rất quan tâm. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất căn bản phù hợp với điều kiện nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, giúp đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của địa phương.
Đến nay, Đắk Nông đã có 64 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Trong đó, có 8 sản phẩm, với 9.563 hộ gia đình tham gia, chiếm 10% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương…
Qua đó, góp phần đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại, quản bá thương hiệu, nhãn hiệu, thúc đẩy đổi mới, phát triển sản xuất các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh.
Thời gian tới, để phát huy các ngành nghề truyền thống, phát triển các sản phẩm thế mạnh, tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác. Qua đó góp phần xây dựng các chuỗi sản phẩm nông sản hiệu quả cao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Lệ Chi