Chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, HTX Thắng Thủy ban đầu có 110 thành viên và 40 lao động thời vụ với vốn điều lệ 200 triệu đồng. Đến nay, HTX Thắng Thủy đã trở thành một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, doanh thu mỗi năm đạt trên 2,5 tỉ đồng.
Chuyển đổi mô hình sản xuất
Trao đổi với phóng viên VnBusiness, chị Cao Thị Hằng, Giám đốc HTX Thắng Thủy cho biết, không chỉ HTX Thắng Thủy mà nhiều HTX tại Vĩnh Bảo trước đây vẫn chủ yếu kinh doanh dịch vụ nông nghiệp như: bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi… theo nhu cầu của người dân mà ít quan tâm đến nghiên cứu, phân tích thị trường, để lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhất là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, dẫn tới tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá.
Cúc dược liệu, sản phẩm xanh của HTX Thắng Thủy. |
"Trước thực trạng như vậy, chúng tôi đã tổ chức họp và bàn phương án kinh doanh hiệu quả cao, phát triển các loại nông sản mới theo hình thức sản xuất xanh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Qua phân tích, chúng tôi đã lựa chọn cây cúc dược liệu (cúc chi vàng) để đưa vào canh tác”, chị Hằng nói.
Năm 2019, HTX đã vận động và hỗ trợ người dân tại xã Thắng Thủy trồng thử nghiệm cây cúc dược liệu với diện tích 12ha, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa học. Sau vụ đầu tiên canh tác, diện tích 12ha trồng cây cúc dược liệu đã cho năng suất cao, tốn ít công chăm sóc, chi phí thấp và đặc biệt không bị chuột phá hoại.
Chị Hoàng Thị Giáp - thành viên HTX, cho biết. “Năm 2019, HTX đứng ra quy vùng sản xuất, hướng dẫn cách chăm sóc người người dân. Khi trồng hoa, chúng tôi không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học. Một sào cúc sẽ cho thu hoạch 50 - 60kg hoa cúc khô, 1kg hoa cúc khô bán với giá từ 600 - 800 nghìn đồng. Như vậy, trừ chi phí còn hơn 20 triệu đồng/sào, một vụ trồng hoa cúc thường kéo dài gần 5 tháng, tính ra so với cấy lúa năng suất gấp 10 - 15 lần”.
Nhờ hiệu quả từ mô hình trồng cúc dược liệu, đến nay, diện tích đã không ngừng tăng lên với trên 100 hộ trồng. Việc hái hoa cúc cũng được HTX Thắng Thủy hướng dẫn cho người dân rất tỉ mỉ. Khi hoa nở được khoảng 80% là hái được, còn hoa đã nở bung hết sẽ phải hái nhanh trong 2-3 ngày, nếu không hoa sẽ tàn và mất đi tính dược liệu vốn có.
Đặc biệt, người hái bắt buộc phải hái từng bông một, không được để lại cuống hoa và lựa đứng sao cho không làm gãy cành vì vẫn còn nhiều nụ hoa chưa nở.
Giải bài toán đầu ra cho sản phẩm
Hiệu quả từ mô hình trồng cúc dược liệu đã thấy rõ, tuy nhiên, để sản phẩm thực sự sạch sau khi đến tay người tiêu dùng thì việc bảo quản đầu ra lại gặp vấn đề. Trong đó, lo ngại nhất là người dân dùng diêm sinh (lưu huỳnh) để sấy khô. Việc này tuy chi phí thấp nhưng sản phẩm lại gây độc hại cho người dùng. Điều này đã khiến cho thương lái được đà ép giá, dẫn tới lợi nhuận đem lại không được như kì vọng. Trong bối cảnh đó, ban giám đốc HTX Thắng Thủy tiếp tục ngồi lại, cùng nhau tìm cách giải quyết.
HTX đang chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm “Trà hoa cúc”. |
Theo đó, HTX Thắng Thủy đã thay đổi quy trình sấy bằng diêm vi sinh sang sấy bằng máy. Kết quả cho thấy, sau khi sấy bằng máy, màu sắc, hương thơm vẫn được giữ nguyên, không độc hại, lại hiệu quả hơn cả sấy diêm sinh, 10kg cúc tươi cho ra 2kg cúc khô.
Chính vì vậy, trong những vụ hoa tiếp theo, cùng với việc hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, HTX đã vận động người dân chuyển đổi từ quy trình sấy bằng diêm vi sinh sang sấy bằng máy. Từ khâu chăm sóc đến khâu chế biến sản phẩm đều được thực hiện theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn, sản phẩm dược liệu sẽ thực sự sạch khi đến tay người tiêu dùng.
Đến nay, sản phẩm trà hoa cúc dược liệu của HTX Thắng Thủy đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, niềm vui vẫn chưa trọn vẹn với các thành viên trong HTX do chi phí xây dựng lò sấy lớn, chính vì vậy HTX vẫn phải thuê xe chở hoa cúc tươi đi sấy dịch vụ tại tỉnh Hưng Yên.
Hiện nay, HTX Thắng Thủy đang đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ giúp đỡ xây dựng lò sấy với công suất 1-2 tấn/mẻ. Nếu có lò sấy, diện tích trồng hoa cúc dược liệu sạch từ khâu sản xuất đến chế biến sẽ không ngừng được mở rộng. Ngoài ra HTX còn có thể trồng thử nghiệm thêm nhiều loại cây dược liệu khác như cà gai leo…
"Khi đó không chỉ có hơn 100 hộ trồng hoa cúc dược liệu như hiện nay mà hàng nghìn hộ khác sẽ có cơ hội làm giàu trên đồng đất quê hương. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam các cấp”. Chị Hằng cho biết thêm.
Đến nay, HTX Thắng Thủy đã trở thành một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo với doanh thu mỗi năm đạt trên 2,5 tỉ đồng. Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục mở rộng diện tích cây cúc dược liệu tại địa phương, HTX Thắng Thủy sẽ tiếp tục từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý HTX.
Đồng thời sẽ duy trì tốt các khâu dịch vụ, tập trung cao hơn vào dịch vụ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, tổ chức sản xuất mô hình gắn với sản xuất sạch. Từ đó mang lại thu nhập cao cho HTX cũng như các thành viên, người lao động.
Nguyễn Khuê