Hiện nay, Hà Nội đang duy trì được 80 chuỗi liên kết sản phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ. Để thực hiện được chuỗi sản xuất liên kết từ nhà sản xuất đến tiêu thụ cần có sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan.
Khâu then chốt xây dựng chuỗi
Thời gian qua, dù các cơ quản quản lý nhà nước đã có các cơ chế, chính sách, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, các doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu có hứng thú sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, việc triển khai phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thành công trong chuỗi giá trị thấp, tiến độ triển khai khá chậm, nhiều mô hình gặp khó khăn.
Tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân Hà Nội đã sớm xây dựng được chuỗi giá trị, hỗ trợ được các HTX đưa nông sản ra thị trường.
Theo ông Tô Hải Long - Giám đốc Trung tâm, Trung tâm đã ký với toàn bộ UBND quận huyện trên toàn thành phố để đưa các sản phẩm nông sản của địa phương đến các địa phương khác, đặc biệt là đến thị trường các khu đô thị, trực tiếp đưa đến các khu dân cư để giới thiệu các sản phẩm đó, tạo nên mối liên kết với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan đoàn thể khác, ký thỏa thuận với công đoàn, giới thiệu sản phẩm đến công đoàn viên chức.
Một điểm mà Trung tâm đặc biệt nhấn mạnh đó là liên kết với các DN. Bởi DN vừa là đơn vị có thể đầu tư cho người dân, vừa là cánh cửa để các sản phẩm nông sản tiếp cận ra thị trường.
Ông Long cho biết thêm, “Năm 2016, Trung tâm được tạo điều kiện đi giao thương tại Nga cùng 12 DN. Qua chuyến đi này, Hội Nông dân thành phố đã ký hợp tác với Hội Nga - Việt và kết nối DN với nhau tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm là đầu mối để xây dựng chuỗi này. Đến nay một số DN đã xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản tại Hà Nội đến gần 2.000 siêu thị tại Nga”.
Bưởi Phúc Thọ là 1 trong 5 sản phẩm được dùng địa danh đặt tên cho sản phẩm |
Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai), cho biết cầu nối Trung tâm xây dựng chuỗi liên kết đã tạo thuận lợi cho các HTX trong vấn đề kết nối giữa người sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến với người tiêu dùng.
Trước đó, khi chưa tham gia chuỗi liên kết, tư duy của người sản xuất chưa định hướng được rõ ràng. Từ khi tham gia chuỗi, HTX đã định hướng cho người nông dân hiểu rõ giá trị, lợi ích của liên kết.
“Từ khi tham gia chuỗi, HTX sản xuất đã có định hướng rõ ràng, tạo được thu nhập ổn định cho thành viên. Những kết quả đạt được cho thấy nếu nông dân không liên kết thì thất bại lớn trong sản xuất nông nghiệp”, ông Tường chia sẻ.
Liên quan đến xây dựng thương hiệu, ông Long cho biết, Trung tâm đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân. Trước mắt, Trung tâm hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, cụ thể là bảo hộ về chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm.
Thời gian qua, đã có 15 sản phẩm do hội nông dân các cấp đề xuất bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đến nay có 5 sản phẩm UBND Tp.Hà Nội dùng địa danh đặt tên cho sản phẩm và đã giao cho hội nông dân địa phương làm chủ nhãn hiệu này. Đó là Rau hữu cơ Sóc Sơn, Bưởi tôm vàng Đan Phượng, Bưởi Chương Mỹ, Phúc Thọ…
Ông Long tiết lộ, sắp tới trung tâm sẽ giới thiệu thương hiệu cho làng nghề thủ công Chương Mỹ nhằm thu hút du lịch và cũng từ du lịch giới thiệu lại những sản phẩm đó cho người nông dân.
Minh Trang