Khoảng 69% DN FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các công ty tư nhân trong nước năm 2015 và 2016, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 62,5% trong năm 2017 và 60,2% vào năm 2018.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 (PCI 2018), Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, tiếp đó là Đồng Tháp, Long An… đứng cuối bảng là Đăk Nông.
Đánh giá về môi trường kinh doanh, PCI 2018 nhận định mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại.
54% phải chi phí "bôi trơn"
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết 58% DN trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% DN vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít vướng mắc. Theo ông Tuấn, vẫn có tới 40% DN cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn các DN tư nhân. Việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn; thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% DN cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác.
Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, GTVT… Theo phản ánh của DN, tính minh bạch cũng ít được cải thiện; chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ DN chưa cao. DN tư nhân, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp khó khăn nhiều hơn các DN lớn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như thông quan, bảo hiểm xã hội, thuế, thanh tra, kiểm tra…
Bởi vậy, ông Tuấn cho rằng bảng xếp hạng PCI không nên là "cuộc chạy đua thành tích" của chính quyền địa phương, mà cần là công cụ để chính quyền nhìn lại môi trường kinh doanh của tỉnh mình, chọn ra trọng tâm và ưu tiên cần cải cách trong thời gian tới. Nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh minh bạch, thân thiện, thuận lợi hơn sẽ không bao giờ thừa với DN.
"Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Báo cáo PCI năm nay dành riêng một chương đánh giá khả năng hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu của các DN tư nhân Việt Nam. Kết quả cho thấy khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN trong nước còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, số DN FDI tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam có nhiều hơn so với đầu những năm 2010, nhưng quá trình này có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây. Có khoảng 69% DN FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các công ty tư nhân trong nước năm 2015 và 2016, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 62,5% trong năm 2017 và 60,2% vào năm 2018.
Cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng đóng vai trò quan trọng giúp DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu |
Liên kết vào chuỗi giá trị
Xu hướng tương tự cũng diễn ra đối với nhóm các nhà cung cấp là cá nhân và hộ gia đình. Cụ thể, tỷ trọng các DN FDI có nhà cung cấp là các cá nhân và hộ gia đình đã giảm từ 19,3% năm 2015 xuống còn 18,4% vào năm 2016, 16,1% vào năm 2017 và chỉ còn 15% vào năm 2018.
Dữ liệu điều tra qua các năm cũng cho thấy xu hướng các DN nhà nước hiếm khi là nhà cung cấp đầu vào cho các DN FDI, năm 2018 chỉ ở mức 6,8%. Nhìn chung, nhiều DN FDI vẫn chuộng việc lựa chọn nhà cung ứng là các DN FDI từ nước xuất xứ của nhà đầu tư (47,1%) và nhà cung cấp từ nước thứ ba (22,8%).
Đồng thời, khi điều tra về đối tác thương mại hiện tại của các DN tư nhân Việt Nam, Báo cáo PCI cho thấy đa số các DN này bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các cá nhân người Việt Nam (66%), công ty tư nhân trong nước (64%) và DN nhà nước khác (24%).
"Việc tập trung cao vào thương mại nội địa không có gì sai, đặc biệt là khi thị trường nội địa của Việt Nam khá lớn với 94 triệu dân. Song con số này là quá chênh lệch so với số DN Việt Nam hiện đang làm ăn với đối tác nước ngoài, những thành phần có nhiều khả năng hội nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu", Báo cáo đánh giá.
Kết quả, chỉ 15% DN tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, dịch vụ cho DN nước ngoài tại Việt Nam, bên cạnh đó là 8,4% xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và vỏn vẹn 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua việc bán hàng cho các DN mua hàng bên thứ ba.
Một trong những nguyên nhân là do các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam chưa hài lòng về chất lượng và năng lực của các nhà cung cấp nội địa. Gần 60% cho biết khó hoặc rất khó (2%) đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa để có thể hưởng các ưu đãi thương mại do họ gặp phải các vấn đề về chất lượng và năng lực của các DN trong nước.
Điều tra PCI đối với DN FDI cũng phản ánh hiện tượng này. Theo đó, 60% DN nước ngoài cho biết mua hàng hóa, dịch vụ trực tiếp từ các DN tư nhân trong nước nhưng phần lớn các giao dịch này lại chỉ bó hẹp trong phạm vi một số DN lớn.
Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại Coca - Cola Đông Dương, cho biết hạn chế lớn nhất của DN Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là thông tin.
"Chúng tôi nhận thấy DN Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng chưa biết cách tiếp cận thông tin. Vì vậy, phải làm sao để DN biết cách tiếp cận thông tin, hiểu mình đang ở đâu, điểm nào cần cải thiện hơn, qua đó sản xuất sản phẩm mang tiêu chuẩn toàn cầu", bà Ly cho biết.
Bên cạnh những vấn đề liên quan tới năng lực của DN tư nhân Việt Nam, một trong những phát hiện của Báo cáo PCI lần này liên quan tới sự cản trở của tiến trình gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của DN tư nhân Việt Nam chính là sự thiếu vắng cơ chế hiệu quả để đảm bảo thực thi hợp đồng giữa khối nội và khối ngoại.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết hệ thống giải quyết tranh chấp của Việt Nam rất quan trọng, nếu DN tư nhân Việt Nam vẫn dựa trên quen biết để phân xử tranh chấp sẽ rất khó làm ăn với công ty nước ngoài. Đồng thời, DN nước ngoài khi làm ăn với DN Việt Nam mà chi phí đòi quyền lợi của họ lớn, rủi ro cao thì họ sẽ không muốn hợp tác.
"Cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng đóng vai trò quan trọng giúp DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là trách nhiệm của cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp như toà án, viện kiểm sát. Đây cũng là lĩnh vực Việt Nam cần có những cải cách đột phá, cho thấy dư địa cải thiện môi trường kinh doanh rộng hơn so với việc rút ngắn thủ tục cấp phép đầu tư hay đơn giản hóa thủ tục hành chính…", ông Tuấn nhấn mạnh.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Dù đứng đầu trong danh sách xếp hạng PCI nhưng Quảng Ninh mới chỉ đạt số điểm hơn 70/100, hàm nghĩa dư địa cải cách vẫn còn rất lớn. Môi trường kinh doanh vẫn cần phải tiếp tục cải thiện. Để giảm chi phí không chính thức, hay nói cách khác là phí bôi trơn, chúng tôi sẽ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao kỷ luật, kỷ cương và ngăn ngừa nhũng nhiễu, tham nhũng vặt một cách tối đa. Ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư phát triển nhà Constrexim-HOD Một trong những "vật cản" mà DN sản xuất, kinh doanh gặp phải là bất cập liên quan tới thủ tục hành chính. Vì vậy, DN mong muốn việc giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian tới cần phải được cơ quan quản lý làm nhanh, minh bạch và mạnh hơn nữa. Điều này sẽ giúp DN bứt phá nhanh trên con đường hoạt động kinh doanh và rút ngắn thời gian chờ đợi, qua đó nắm bắt cơ hội. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. |