Cách đây hơn 3 năm, Hưng Lễ còn là một trong những xã nghèo của huyện Giồng Trôm với 403 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,4%; hộ cận nghèo có 60 hộ, chiếm 2,8%.
Trồng dừa đạt chuẩn Fairtrade
Bằng việc tập trung quyết liệt cho công tác giảm nghèo, chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế thoát nghèo bền vững, đặc biệt là phát triển chuỗi giá trị với cây dừa, thích ứng với các mô hình như vườn dừa hữu cơ, đã giúp kéo giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo ở Hưng Lễ. Đến năm 2022, xã chỉ còn 74 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,56% và đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Tham gia vào HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ giúp nông dân trồng dừa có đời sống ngày càng khấm khá. |
Trong quá trình giảm nghèo ở Hưng Lễ cần ghi nhận vai trò quan trọng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ. Được thành lập cách đây 5 năm, ban đầu HTX có 36 thành viên trồng dừa hữu cơ ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và cung ứng phân hữu cơ cho bà con.
Cách đây 3 năm, HTX liên kết với Tổ chức FLO (Tổ chức phi chính phủ) trồng dừa đạt tiêu chuẩn Fairtrade (thương mại công bằng) với giá cao, giúp người trồng dừa ổn định cuộc sống.
Nhờ hoạt động hiệu quả, số thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ không ngừng tăng lên, đến năm 2023 đã có 804 thành viên tham gia với diện tích 616ha. Trong đó, có 519 thành viên với 436,2ha trồng dừa đạt chuẩn Fairtrade, số còn lại trồng dừa đạt chuẩn hữu cơ.
Tham gia thành viên từ những ngày đầu HTX này mới thành lập, gia đình ông Đỗ Xuân Lạc đang canh tác 17 công vườn dừa đạt chuẩn Fairtrade. Nhờ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách bón phân nên gia đình ông duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn Fairtrade để bán được giá cao hơn, thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Văn Chúc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ cho biết, Tổ chức FLO sẽ đặt hàng sản phẩm dừa của HTX thông qua Công ty Betrimex (chuyên chế biến, xuất khẩu dừa) với giá cao hơn cả dừa hữu cơ.
Hàng năm, dựa vào đơn hàng xuất đi, Tổ chức FLO sẽ trích lại từ 10 - 15% tổng giá trị để HTX thực hiện các công trình phúc lợi tại địa phương, xây nhà tình thương, tặng quà cho học sinh nghèo, phát miễn phí phân bón cho các thành viên HTX…
Hiệu quả trồng dừa hữu cơ
Năm 2022, Tổ chức FLO đặt hàng mua dừa nguyên liệu của HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ với sản lượng 950.000 trái, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng dừa. Số lượng còn lại, HTX bán qua công ty với giá ổn định theo chuẩn dừa hữu cơ. Ngoài những lợi ích các thành viên được hưởng hàng năm, hỗ trợ phân bón hữu cơ, HTX còn có kế hoạch chi tiền phúc lợi từ người tiêu dùng sản phẩm dừa tiêu chuẩn Fairtrade trả thêm.
Mô hình trồng dừa hữu cơ của HTX nông nghiệp Châu Bình góp phần giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở xã. |
Tổng số tiền Tổ chức FLO trích lại khoảng 1,1 tỷ đồng. Sau khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trả lương cho nhân viên, còn lại HTX sẽ sử dụng vào việc thực hiện các công trình phúc lợi như: xây dựng đường bê tông, mua bồn nước tặng cho cộng đồng, lắp đặt hồ bơi cho học sinh, hỗ trợ tiền cho người bị bệnh nan y, hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học…
Bên cạnh xã Hưng Lễ, một số địa phương khác trong huyện Giồng Trôm cũng đang phát triển mạnh chuỗi giá trị dừa với vai trò lớn của các HTX, trong đó có mô hình trồng dừa hữu cơ. Đơn cử như xã Châu Bình hiện đã chuyển đổi hơn 1.307ha dừa (chiếm hơn 50% diện tích dừa của xã) sang hình thức sản xuất hữu cơ.
Cách đây 2 năm, thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung của Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre về xây dựng thí điểm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị năm 2021-2023, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã triển khai chứng nhận hữu cơ và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Châu Bình với diện tích 799 ha, trong đó diện tích chứng nhận là 692 ha, diện tích còn lại đang trong quá trình chuyển đổi.
Trong quá trình hình thành chuỗi giá trị cho cây dừa và liên kết với doanh nghiệp ở xã Châu Bình phải kể đến HTX nông nghiệp Châu Bình (thành lập từ 4 năm trước) với 215 thành viên và 221ha đất trồng dừa. HTX hiện có 3 cửa hàng gồm: Cửa hàng thu mua, sơ chế trái dừa và lấy dầu; cửa hàng nước lọc tinh khiết đóng chai; cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các cửa hàng này hoạt động ổn định và hiệu quả.
Ông Hồ Thanh Trung, Chủ tịch UBND xã Châu Bình cho biết, xã hiện có 2.038ha dừa, tăng 108ha so với cùng kỳ năm trước. Bằng việc tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị, đến nay xã đã chuyển đổi hơn 1.307ha dừa (chiếm hơn 50% diện tích dừa của xã) sang hình thức sản xuất hữu cơ, an toàn, bền vững và được Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) chứng nhận hữu cơ, liên kết tiêu thụ với người dân và HTX. HTX nông nghiệp Châu Bình hiện đang hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều thành viên tham gia.
Gia đình anh Ngô Văn Hội vốn trước đây là một hộ nông dân nghèo ở xã Châu Bình. Nhờ tham gia vào chuỗi giá trị trồng dừa hữu cơ và là thành viên của HTX nông nghiệp Châu Bình mà cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá.
Mang lại cơ hội giảm nghèo
Sở hữu 6ha đất vườn dừa hữu cơ, thu nhập của gia đình anh Hội mỗi năm tầm 1 tỷ đồng, sau khi đã trừ chi phí. Anh Hội chia sẻ: "Với sự hướng dẫn của nhân viên Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, nhiều bà con thành viên của HTX nông nghiệp Châu Bình, trong đó có tôi, đang áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm được công ty bao tiêu và thu mua với giá cao".
Tổng diện tích dừa hữu cơ ở huyện Giồng Trôm hiện đạt 5.600ha. |
Nhờ vào việc phát triển chuỗi giá trị trồng dừa hữu cơ như vậy đã góp phần giúp kéo giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo ở Châu Bình hiện chỉ còn 1,9%, thu nhập bình quân đầu người ở xã vào năm 2022 đạt 64 triệu đồng/năm.
Không chỉ vậy, hồi năm 2022, Châu Bình được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, xã đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng về sản xuất nông nghiệp, hiện nay, xã đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa tập trung của tỉnh theo hướng hữu cơ. Mô hình sản xuất này đang được người dân trồng dừa của xã tâm đắc. Tại Ấp 3, Ấp 6 và nhiều ấp khác, tỷ lệ chuyển đổi sang hình thức canh tác này đạt hơn 85% diện tích.
Cùng với Hưng Lễ và Châu Bình, tính từ năm 2020 đến nay, huyện Giồng Trôm đã phát triển thêm 3.187 ha dừa hữu cơ, qua đó nâng tổng diện tích dừa hữu cơ ở huyện là 5.600ha. Hiện nay, các công ty liên kết tham gia chuỗi giá trị thu mua dừa của người dân thông qua HTX, đại lý thu gom tại địa phương với giá thu mua của từng công ty khác nhau, trung bình cao hơn từ 5-20% so giá thị trường, tùy vào chính sách công ty và tùy thời điểm.
Trong chuỗi giá trị dừa, huyện Giồng Trôm hiện có các HTX đã thực hiện liên kết cung ứng vật tư đầu vào, thu mua đạt hiệu quả như: HTX dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa, HTX nông nghiệp Châu Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp Công bằng Hưng Lễ, HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phú Đông liên kết Công ty Betrimex thu mua dừa hữu cơ.
Trong thời gian tới, để nhân rộng chuỗi giá trị dừa và góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, huyện Giồng Trôm sẽ tiếp tục tuyên truyền về mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng vùng sản xuất tập trung và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện.
Tính đến nay, huyện Giồng Trôm còn 2.385 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,42%; số hộ cận nghèo 1.257 hộ, chiếm tỷ lệ 2,33%. Kỳ vọng với chuỗi giá trị trồng dừa hữu cơ sẽ mang lại cơ hội giảm nghèo, thoát nghèo bền vững cho bà con nông dân ở huyện trong thời gian tới.
Điều này đòi hỏi huyện cần thực hiện tốt Đề án nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 đến với bà con nông dân bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin… một cách thường xuyên, liên tục để góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng dừa hữu cơ, tham gia vào HTX và chuỗi giá trị dừa.
Thanh Loan