Cách đây 3 tháng, ở ấp Mỹ An, xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) đã ra mắt HTX Nông nghiệp Long Mỹ với 19 thành viên, tổng vốn điều lệ 190 triệu đồng. HTX hoạt động trong các lĩnh vực: Cung cấp vật tư nông nghiệp, dịch vụ trồng trọt, dịch vụ sau thu hoạch, chế biến và bảo quản rau quả.
Giúp nông dân thực hiện liên kết chuỗi
Mục tiêu của HTX là liên kết các thành viên, hộ nông dân có nhu cầu tự nguyện, hợp tác với nhau để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, HTX còn cung cấp cho thành viên các dịch vụ vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tổ chức các dịch vụ hỗ trợ thành viên trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các dịch vụ khác.
Xã Long Mỹ đang thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với lợi thế trồng cây ăn trái của địa phương. |
HTX này hiện có 15ha/20ha thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay có 15ha của 18 hộ được chứng nhận VietGAP, sản lượng dự kiến khoảng 65,2 tấn/năm.
Thời gian gần đây, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công bố giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm nhãn xuồng của HTX Nông nghiệp Long Mỹ.
Mô hình canh tác nhãn xuồng tại HTX Long Mỹ thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh”. Tham gia canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ nông dân được hỗ trợ phân, thuốc, hướng dẫn quy trình canh tác, ghi nhật ký canh tác. Việc được công nhận VietGAP sẽ góp phần nâng cao quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và nâng cao giá trị của cây nhãn xuồng của HTX trên thị trường.
Hồi tháng 4/2023, ở xã Long Mỹ cũng ra mắt HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Mỹ, chuyên hoạt động các lĩnh vực: Cung cấp vật tư nông nghiệp, các hoạt động dịch vụ trồng trọt và sau thu hoạch, bảo quản và chế biến rau quả.
Việc thành lập HTX này được xem như giúp bà con nông dân thực hiện các hoạt động nông nghiệp và dịch vụ, thực hiện liên kết theo chuỗi để có đủ điều kiện tiếp cận với thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, giải quyết tiêu thụ cho nông sản; tăng thêm thu nhập cho thành viên, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Ngoài ra, theo phương án hoạt động HTX cũng sẽ lựa chọn một số vườn của thành viên có cảnh quan đẹp, rộng rãi, trang trí thêm một số tiểu cảnh; nhà nghỉ chân… Nhất là HTX sẽ liên kết với các khu du lịch, các tour tổ chức cho du khách tham quan vườn cây ăn trái, kết hợp với mua sắm các đặc sản địa phương, tạo nên mô hình du lịch sinh thái đầy triển vọng trong tương lai.
Tạo sinh kế nâng cao đời sống
Diện tích đất nông nghiệp ở Long Mỹ hiện có 1.135,11 ha, đa phần xen cài trong khu dân cư, chiếm 87,4% diện tích của toàn xã. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được chính quyền xã quan tâm.
HTX nhãn xuồng Lộc An hiện có 15ha/20ha thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Tuy nhiên, phần lớn các hộ nông dân đều sản xuất nhỏ lẻ chưa có một tổ chức đại diện mang tính quy mô, sản xuất hàng hoá cung ứng theo nhu cầu của thị trường, chưa sản xuất theo chuỗi liên kết, trong khi đó, nhu cầu của thị trường về nông sản, trái cây chất lượng, có chỉ dẫn địa lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Đứng trước nhu cầu đó, việc phát triển các HTX nông nghiệp như trên là rất cần thiết cho người dân nơi đây.
Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Long Mỹ đạt 60,8 triệu đồng/năm. Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2020, trong xã không còn hộ nghèo đa chiều. Các HTX nông nghiệp – dịch vụ - thương mại trong xã từng bước đi vào hoạt động, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần giúp cho người dân thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh Long Mỹ, ở huyện Đất Đỏ còn có xã Lộc An cũng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác nhằm tạo sinh kế, giúp dân có cuộc sống khấm khá hơn. Trong đó phải kể đến HTX Nhãn xuồng Lộc An.
UBND xã Lộc An đang phối hợp triển khai các giải pháp hỗ trợ HTX nhãn xuồng Lộc An về khoa học-kỹ thuật, vốn, nhằm nhân rộng diện tích trong nhãn xuồng công nghệ cao cũng như mở rộng liên kết, tiêu thụ nhãn sau thu hoạch, qua đó tránh tình trạng được mùa mất giá.
Hiện, HTX nhãn xuồng có 12 hộ, diện tích 23,7 ha, trong đó có 10 hộ đón khách du lịch tới thăm quan, trải nghiệm. Ông Nguyễn Ngọc Thép, Giám đốc HTX chia sẻ, để thu hút được khách tham quan nhiều hơn nữa trong tương lai, HTX sẽ sản xuất nhãn hữu cơ, nhãn sạch và đạt chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước để thu hút lượng khách tới ngày càng đông hơn và du khách cũng sẽ được thưởng thức sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Để tăng năng suất cho cây nhãn ở Lộc An, ngành nông nghiệp huyện Đất Đỏ đã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nhãn cho nông dân và thành viên HTX, ứng dụng canh tác hữu cơ, tưới tự động nên năng suất cây nhãn ổn định.
Trao “cần câu” hơn là cho “con cá”
Lộc An là địa phương có diện tích trồng nhãn xuồng lớn nhất huyện Đất Đỏ, với 41ha của 37 hộ. Với các giống xuồng cơm vàng, nhãn bao công, nhãn bắp cải, được trồng trên đất cát ven biển, nhãn tại xã Lộc An có những ưu điểm vượt trội với cơm dày, hạt nhỏ, mùi thơm và vị ngọt thanh, vì thế được thị trường rất ưa chuộng.
Với phương châm trao “cần câu” hơn là cho “con cá”, việc phát triển kinh tế hợp tác góp phần giúp người dân huyện Đất Đỏ thoát nghèo bền vững. |
Bình quân mỗi năm, xã Lộc An cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn nhãn, với giá bán cao, giúp nông dân, thành viên HTX có nguồn thu nhập ổn định và làm giàu từ cây nhãn. Hiện, cây nhãn xuồng đang trở thành cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn xã.
Hồi năm trước, nhãn xuồng Lộc An đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, hiện cây nhãn đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân Lộc An. Nhãn Lộc An cũng đã được cấp mã vùng trồng, tạo động lực cho các hộ dân và thành viên HTX yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.
Theo ông Hồng Như Vàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ các HTX, hộ nông dân xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng sản xuất nhãn tập trung; triển khai các mô hình đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong canh tác.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm, vận dụng các cơ chế, chính sách về khuyến nông, chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp..., để hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ trồng nhãn trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Có nhiều ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Đất Đỏ đã đẩy mạnh nâng tầm nông sản và phát triển kinh tế hợp tác huyện nhà qua chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Sau hơn 2 năm triển khai, toàn huyện có 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 6 sản phẩm 4 sao và 7 sản phẩm 3 sao.
Nhằm kịp thời giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện vươn lên theo phương châm trao “cần câu” hơn là cho “con cá”, từ đó huyện đã đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp, tránh tình trạng thoát nghèo rồi lại tái nghèo, xây dựng lộ trình hỗ trợ các đối tượng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Từ việc chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tin rằng huyện Đất Đỏ sẽ đạt được mục tiêu đến cuối năm 2023 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh.
Thanh Loan