Ở xã Mỹ Long Bắc (huyện Cầu Ngang) có HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ là một điển hình đi đầu về phát triển kinh tế hợp tác. HTX đã triển khai hiệu quả 2 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững là dưa hấu và bí đỏ. Các mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Chuyển biến cùng HTX ở Mỹ Long Bắc
Nông dân Nguyễn Văn Tân, thành viên HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ, cho biết khi tham gia vào HTX, các thành viên ngoài được hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, được liên kết đầu vào và đầu ra, nông dân yên tâm sản xuất.
Mô hình trồng bí đỏ ở HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ giúp bà con nông dân xã Mỹ Long Bắc nâng cao đời sống. |
Còn một thành viên khác là bà Nguyễn Thị Châu cho biết, bí đỏ là cây trồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, từ thời điểm trồng cho đến thu hoạch khoảng 2 tháng, giai đoạn đầu bí đỏ mới ra hoa đậu trái non, nông dân chọn những bông bí khỏe thụ phấn để đậu trái, những bông bí còn lại người trồng thu hoạch bông bí, đọt bí đem bán.
Theo bà Châu, bông bí thu hoạch từ 1 - 2 tháng, nguồn thu nhập bông bí nông dân có thể thu hồi vốn và lợi nhuận trọn phần trái bí ở cuối vụ. Với 0,2ha bí đỏ, sau 2 tháng trồng, năng suất đạt 4 tấn, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng.
Ông Trần Văn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Long Bắc, đồng thời là Giám đốc HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ, cho biết HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ hiện có 56 thành viên tham gia sản xuất 42ha luân canh 2 vụ dưa hấu và bí đỏ - 1 vụ lúa, lợi nhuận bình quân đạt từ 80 - 150 triệu đồng/ha/vụ màu.
Khoảng 2 năm gần đây, theo ông Út, HTX liên kết ứng dụng thành công dưa hấu trồng theo quy trình hữu cơ, giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Các thành viên tham gia HTX ngoài được hỗ trợ cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, còn được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, cách trồng và chăm sóc hoa màu giúp các thành viên và nông dân giảm chi phí sản xuất.
Như chia sẻ của ông Trần Văn Út, hướng đi sắp tới tới của HTX Nông nghiệp Hạnh Mỹ là sẽ mở rộng quy mô kinh doanh sản xuất, tăng vốn điều lệ, phấn đấu tăng số thành viên của HTX lên 10% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp.
Khởi sắc ở Nhị Trường
Nhờ vào mô hình hiệu của HTX và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp với nhu cầu thị trường, giảm dần diện tích cây lúa, thay vào đó là cây màu phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây (như: bắp, đậu phộng, ớt, dưa hấu, các loại bầu bí, rau cải…) đã giúp nâng cao đời sống người dân xã Mỹ Long Bắc.
Hoạt động kinh tế hợp tác được ghi nhận đang có những chuyển biến tích cực ở huyện Cầu Ngang. |
Nếu như năm 2014 thu nhập bình quân đầu người của người dân ở xã Mỹ Long Bắc là 26,1 triệu đồng/người thì đến năm 2022 đã nâng lên đạt 65 triệu đồng/người. Bên cạnh HTX Hạnh Mỹ thì trong xã còn hình thành những mô hình sản xuất quy mô như mô hình bắp giống, mô hình dưa hấu, các tổ hợp tác…
Ngoài xã Mỹ Long Bắc, hoạt động kinh tế hợp tác được ghi nhận đang có những chuyển biến tích cực ở các xã khác trong huyện Cầu Ngang. Đến nay trên địa bàn huyện có 23 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 1.355 thành viên.
Đơn cử như HTX nông nghiệp Nhị Trường ở xã Nhị Trường (huyện Cầu Ngang) hiện là HTX nông nghiệp duy nhất tại huyện Cầu Ngang nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung được giao tham gia quản lý chợ.
Sau hơn 7 năm tiếp nhận quản lý chợ Nhị Trường, HTX đã xây dựng chợ Nhị Trường trở thành một trong số các chợ xã đạt tiêu chuẩn của huyện Cầu Ngang, được đánh giá là chợ an toàn, văn minh và hoạt động hiệu quả, là đầu mối tiêu thụ và giao lưu hàng hóa ở nông thôn, góp phần vào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Để bảo đảm các hoạt động kinh doanh cho các hộ tiểu thương ngày càng tốt hơn, HTX đã được UBND xã cho thuê dài hạn 7.998m2 nhà lồng chợ. Do khu vực chợ xã đầu tư đã lâu, đến nay một số hạng mục xuống cấp không đảm bảo mỹ quan, vì thế để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, HTX nông nghiệp Nhị Trường đã đóng góp cổ phần để nâng cấp, sửa chữa chợ.
Theo đó, HTX đã tiến hành đầu tư gần 1,8 tỷ đồng để sửa chữa với tổng diện tích 3.980,4m2, 08 dãy ki-ốt bao quanh và các công trình phụ trợ, đảm bảo điều kiện bố trí 134 hộ kinh doanh cố định và khoảng 180 hộ dân tham gia bán hàng hóa.
Hiện nay, HTX nông nghiệp Nhị Trường có 54 thành viên và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động địa phương. Thông qua HTX, thành viên cũng như các hộ tiểu thương có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, đồng thời đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Từ chỗ là xã nghèo của huyện Cầu Ngang, với hơn 80% đồng bào Khmer sinh sống, cùng với việc phát triển kinh tế hợp tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đến nay đời sống của người dân xã Nhị Trường ngày càng khởi sắc, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giúp giảm nghèo hiệu quả
Về phía Hội Nông dân huyện Cầu Ngang, thời gian qua đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhất là phối hợp hướng dẫn xây dựng 11 điểm mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác ở các xã trong huyện, hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả mang lại hiệu quả cao như: Mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi dê sinh sản, trồng màu kết hợp nuôi bò, nuôi cua biển trong hộp,…
Các xã trong huyện Cầu Ngang hình thành nhiều tổ hợp tác chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. |
Trong đó phải kể các tổ hợp tác tiêu biểu hoạt động hiệu quả như: Tổ hợp sản xuất lúa hữu cơ ấp Bình Tân (xã Hiệp Hòa), Tổ hợp tác sản xuất lúa giống xã Trường Thọ, Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn xã Kim Hòa và 11 tổ hợp tác nuôi bò sinh sản được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân…
Từ việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần giúp cho thu nhập bình quân đầu người của người dân huyện Cầu Ngang vào năm 2022 ước đạt 64,26 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm bình quân 2,95%/năm, vùng đồng bào Khmer giảm 4,9%/năm…
Huyện cũng dành sự quan tâm công tác tư vấn, hướng dẫn đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.
Thực hiện dự án phát triển sản xuất đa dạng sinh kế, trong vài năm trở lại đây, huyện Cầu Ngang hỗ trợ trên 10,7 tỷ đồng cho 717 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện dự án nuôi bò; hỗ trợ 727 hộ Khmer vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm với số tiền trên 5,8 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer nghèo.
Bên cạnh đó, huyện đã mở 75 lớp dạy nghề cho 1.359 lao động, tạo điều kiện giải quyết việc làm mới cho 19.350 lượt lao động làm việc trong và ngoài tỉnh. Không những vậy, ở huyện còn thúc đẩy xuất khẩu lao động gắn với xóa nghèo, nhất là trong vùng đồng bào Khmer (chiếm hơn 37% dân số toàn huyện). Qua đó đã góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Thanh Loan