Hữu Lân đang mở hướng đi hiệu quả từ chăn nuôi gia súc |
Sản xuất tập trung
Hữu Lân là xã miền núi, địa hình nhiều chia cắt, hiện có 7 thôn (trong đó có 4 thôn đặc biệt khó khăn), với 547 hộ dân, gần 2.600 nhân khẩu, đa phần dân số thuộc dân tộc Tày. Những khó khăn về hạ tầng, giao thông, địa hình khiến cuộc sống người dân gặp phải nhiều trở ngại.
Trước đòi hỏi của thực tế, chính quyền xã Hữu Lân đã vận động và lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, để cải thiện hệ thống hạ tầng, giao thông, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế.
Đặc biệt, từ năm 2015, xã bắt đầu chú trọng nhân rộng mô hình chăn nuôi gia súc, tạo điều kiện, khuyến khích người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa, dê… theo hướng trang trại tập trung gắn với an toàn lao động (ATLĐ) và khoa học – kỹ thuật.
Bên cạnh vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ, dự trữ thức ăn chăn nuôi đầy đủ, chú trọng vệ sinh môi trường.
Ông Nông Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lân, cho biết dựa vào điều kiện của địa phương, xã nhanh chóng xác định chăn nuôi gia súc là một trong những hướng đi chính (bên cạnh lâm nghiệp) tạo đà phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.
Với tôn chỉ rõ ràng, xã đã thực hiện nhiều giải pháp để giúp người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ, vệ sinh môi trường.
Các cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông, thú y viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn các loại giống mới đưa vào sản xuất. Hàng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 1 – 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật, ATLĐ trong chăn nuôi cho người dân; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…
Chăn nuôi an toàn là chìa khóa đảm bảo hiệu quả bền vững |
Nâng cao lợi ích
Hiệu quả kép về kinh tế và ATLĐ của mô hình chăn nuôi gia súc đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn xã Hữu Lân. Đến nay, toàn xã có hơn 200 hộ đang phát triển chăn nuôi gia súc (chủ yếu ngựa bạch, dê) theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 2 - 3 con ngựa bạch, 15 – 20 con dê, điển hình có những hộ nuôi nhiều từ 5 - 6 con ngựa bạch, 30 – 40 con dê.
Số lượng gia súc của các hộ góp phần nâng tổng đàn gia súc của toàn xã lên gần 1.700 con (trâu 416 con; ngựa 550 con, nhiều nhất toàn huyện; bò 110 con; dê 620 con). Mô hình cho thấy hiệu quả tích cực tại 100% các thôn của xã gồm Vinh Tiên, Nà Tấng, Phai Bây, Suối Lông, Suối Mỉ, Suối Vằm, thôn Bộ.
Anh Nguyễn Văn Thơ (thôn Bộ) chia sẻ: “Năm 2016, tôi bắt đầu phát triển mô hình nuôi dê với số lượng 3 – 4 con. Vừa nuôi vừa học hỏi trên mạng internet, kết hợp với hướng dẫn của cán bộ thú y xã nên đàn dê của gia đình tôi phát triển ổn định. Hiện, tổng đàn dê của nhà tôi đã lên hơn 60 con”.
Nhờ sản xuất an toàn, chú trọng khoa học – kỹ thuật mới, trung bình mỗi năm, anh Thơ xuất bán 2 – 3 lần, mỗi lần từ 5 – 6 con (dê xuất từ 20 – 30 kg/con), cho thu nhập 70 – 80 triệu đồng.
“Cùng với dê thịt, tôi còn xuất bán dê giống, nên tổng thu nhập của gia đình tôi có thể đạt 100 - 120 triệu đồng/năm. Vì dê được chăn thả tự nhiên nên thị trường rất ưa chuộng, thương lái đến tận nhà thu gom ra các nhà hàng ở Lạng Sơn, Lộc Bình và một số tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Bắc Giang…”, anh Thơ vui vẻ nói.
Trên địa bàn xã đã và đang có nhiều hộ có thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi. Để tiếp tục phát huy hiệu quả bền vững, UBND xã Hữu Lân cho biết trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, đẩy mạnh nâng cao trình độ, kỹ thuật, kiến thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm cho người chăn nuôi.
Hạ Vi