HTX Thạnh Phước đang gặt hái thành công nhờ trồng chanh không hạt an toàn |
Mạnh dạn đổi mới
Từ những hộ sản xuất nhỏ lẻ, các hộ trồng chanh không hạt tại xã Đông Thạnh (Châu Thành, Hậu Giang) đã quyết định tập hợp lại, thành lập HTX Nông nghiệp Thạnh Phước để cùng nhau trao đổi kỹ thuật trong sản xuất, chăm sóc cây chanh cũng như tìm thị trường tiêu thụ.
Xuất phát điểm với 19 thành viên, sau khi liên tục gặt hái thành công, HTX hiện đã thu hút gần 90 hộ, tổ chức sản xuất trên tổng diện tích hơn 100ha chanh không hạt theo hướng an toàn, tuân thủ chặt chẽ quy trình VietGAP và GlobalGAP.
Ông Nguyễn Văn Thật – Giám đốc HTX, chia sẻ: “Bình quân mỗi ngày, có khoảng 40 tấn chanh được HTX và các đầu mối đưa đi tiêu thụ. Các hộ trồng chanh có doanh thu từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm”.
“Không chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế, các hộ đang chú trọng nâng cao các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo sự phát triển bền vững”, ông Thật nhấn mạnh.
Nhờ sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ, sản phẩm của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang".
Tương tự tại Châu Thành, nhiều mô hình sản xuất trên địa bàn huyện Phụng Hiệp cũng đang gặt hái thành công nhờ làm nông thông minh. Đơn cử như ông Võ Văn Phải ở ấp Phú Mỹ A, xã Hòa Mỹ đã tìm tòi, nghiên cứu trồng thành công cây mãng cầu xiêm bằng hạt trên vùng đất trũng, nhiễm phèn.
Ông Võ Văn Phải cho hay: “Cách đây vài năm, tôi quyết định phá bỏ vùng trồng mía, tiến hành ươm hạt mãng cầu xiêm trồng trên 5 công đất. Sau 2 năm, cây mãng cầu xiêm đã cho trái. Với giá bán 18.000 - 30.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm tôi thu về trên dưới 100 triệu đồng”.
Nhờ làm nông thông minh, HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ đang có hiệu quả cao |
Tạo sức lan tỏa
Từ mô hình trồng mãng cầu xiêm bằng hạt cho thu nhập cao của ông Võ Văn Phải, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã cải tạo vườn tạp học hỏi trồng theo. Đến nay, toàn huyện Phụng Hiệp đã có hơn 100ha trồng mãng cầu xiêm bằng hạt, trong đó riêng xã Hòa Mỹ đã chiếm hơn 50ha.
Để đảm bảo hiệu quả bền vững, ông Võ Văn Phải đã đứng ra thành lập HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ do ông làm Giám đốc.Việc thành lập HTX nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất mãng cầu xiêm theo hướng an toàn, xây dựng chuỗi sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất, ATLĐ cho thành viên, người lao động.
“Sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu tất yếu tạo nên thành công trong bối cảnh hội nhập. Sản xuất an toàn đảm bảo sự phát triển bền vững, phát huy sức sáng tạo của người sản xuất, còn nâng cao chất lượng giúp sản phẩm giàu sức cạnh tranh”, ông Phải nhấn mạnh.
Cũng tại huyện Phụng Hiệp, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của ông Võ Văn Trưng (xã Bình Thành) cũng đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ những thành công ấn tượng.
Nhờ áp dụng công nghệ trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà kính và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel nên hệ thống trồng dưa lưới của ông Trưng giảm thiểu đáng kể chi phí sản xuất.
Với hơn 8 công đất luân phiên trồng 4 vụ dưa lưới, mỗi năm ông Trưng thu về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Hiện nay, trái dưa lưới do ông Trưng sản xuất tiêu thụ mạnh tại các siêu thị trong nước. Hướng tới ông sẽ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu.
“Làm nông thông minh giúp người nông dân không phụ thuộc 100% vào thời tiết, đồng thời giảm thiểu chi phí, gia tăng lợi nhuận, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, từ đó các sản phẩm đi xa hơn, không chỉ trong nước mà còn vươn tới các thị trường quốc tế”, ông Võ Văn Trưng khẳng định.
Văn Nguyễn