Mới đây, tại xã Đạ Long (Đam Rông), UBND huyện Đam Rông đã tổ chức Lễ ra mắt Hợp tác xã (HTX) Ca cao hữu cơ Đam Rông. HTX Ca cao hữu cơ Đam Rông được thành lập với 7 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế biến các sản phẩm từ hạt ca cao, cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp… cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.
Vùng đất thích hợp trồng cây ca cao
Đại diện HTX cho biết, cây ca cao ở đây rất là phù hợp dưới tán điều; phù hợp với chủ trương của Huyện ủy về cải tạo vườn tạp, dễ chăm sóc, năng suất cao và có vị ngon rất đặc biệt, rất riêng so với các nơi khác.
Nhằm đưa cây ca cao phát triển, trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nên ngay từ khi thành lập, HTX đã tìm kiếm đối tác và nhận được sự hợp tác, liên kết của Công ty OCA Việt – Nhật. Đây là một công ty có thương hiệu toàn cầu, chuyên về phát triển vùng nguyên liệu ca cao hữu cơ, nghiên cứu, chế biến sâu các sản phẩm từ cây cao cao tại Vũng Tàu.
![]() |
HTX Ca cao hữu cơ Đam Rông được thành lập với mục tiêu sản xuất, sơ chế biến các sản phẩm từ hạt ca cao, tạo công ăn việc làm cho người dân ở huyện Đam Rông. Ảnh BLĐ |
Ông Nozawwa Hiroki, đại diện Công ty OCA Việt – Nhật nhận định, Đam Rông là huyện có tiềm năng phát triển nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng nông sản mà đặc biệt là ca cao, thật sự rất ngon. Khu vực này đất đai màu mỡ và điều kiện khí hậu với sự chênh lệch nhiệt độ theo mùa, rất thích hợp để phát triển đa dạng cây trồng nông nghiệp.
"OCA sẽ tập trung hỗ trợ giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, CNTT để hiện thực hóa ngành nông nghiệp thông minh. Chúng tôi hợp tác cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng CNTT, nông nghiệp thông minh cho thanh niên và nông dân địa phương nhằm tạo cơ hội tiếp thu công nghệ mới nhất", ông Nozawwa Hiroki nói.
Thực tế, việc thành lập các HTX mới, nhất là những HTX nông nghiệp, phát triển cây ca cao như HTX hữu cơ Đam Rông ở Lâm Đồng ngày một nhiều. Đáng nói, các HTX đều được sự quan tâm khích lệ của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh.
Nguồn thu lợi lớn cho nông dân
Ông Liêng Hót Ha Hai – Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, việc thành lập HTX hữu cơ Đam Rông là triển khai một chủ trương lớn của huyện, Huyện ủy có một Nghị quyết về cải tạo vườn tạp và theo thống kê trên địa bàn 3 xã vùng Đầm Ròn có trên 200 ha vườn tạp.
“Việc thành lập HTX hữu cơ Đam Rông góp phần thúc đẩy hợp tác cùng nông dân trên địa bàn trồng, chăm sóc cây ca cao theo hướng hữu cơ, liên kết phát triển vùng ca cao gắn với tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; không những hình thành vùng nguyên liệu ca cao ngon nhất thế giới gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của bà con phát triển kinh tế mà còn hiện thực hóa Ngành ca cao bền vững vùng Đam Rông”, ông Liêng Hót Ha Hai nói .
![]() |
Cây ca cao đang trở thành cây trồng mang lại nguồn thu chính cho nhiều hộ dân ở Lâm Đồng. Ảnh BLĐ |
Thực tế thì cây ca cao từ nhiều năm nay đã chứng minh tính hiệu quả trên vùng đất Lâm Đồng, bởi vậy nhiều HTX, nông dân đã phát triển loại cây này và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các tổ hợp tác, HTX như HTX Ca cao hữu cơ Đam Rông sẽ đóng vai trò đầu mối đưa cây ca cao bén rễ tại Lâm Đồng. Hiện nay, trên địa bàn, một số đơn vị cũng đã tổ chức sản xuất và liên kết thu mua, sơ chế, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Điều này đang góp phần cho kinh tế hộ gia đình ở Lâm Đồng phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Đơn cử, gia đình ông Võ Tượng ở Thôn 4, xã Quảng Trị, huyện Đạ Huoai, sở hữu 8.000 m2 đất trồng cây ca cao, mỗi tuần gia đình ông đều có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cây cao cao.
Theo ông Tượng, để có thu hoạch, cần trồng ca cao trong khoảng từ 3 - 5 năm. Bởi thế, việc chọn giống tốt và sạch bệnh có ý nghĩa to lớn, cần được hết sức lưu ý để tránh tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc nhưng lại không thu về kết quả thực sự ưng ý
“Trước đây, tôi vẫn canh cánh nỗi lo được mùa rớt giá, nhưng khi tham gia vào mô hình sản xuất ca cao theo hướng hữu cơ, đầu ra được doanh nghiệp đảm bảo nên tôi rất an tâm”, ông Tượng nói.
Ông Hà Vĩnh Du - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trị cho biết, toàn xã Quảng Trị có khoảng 5 ha ca cao, với hơn chục hộ dân canh tác. Trong khi giá cả nhiều loại cây ăn trái khác biến động không ngừng thì giá ca cao được thu mua rất ổn định, người trồng thu nhập khá. Nhờ đó, cây trồng này được người dân quan tâm mở rộng diện tích.
KTTT góp phần giảm nghèo
Tại tỉnh Lâm Đồng, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND tỉnh, trong năm 2024, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh có 2.324 hộ, chiếm tỷ lệ 0,64% số hộ toàn tỉnh (giảm 0,45% so với năm 2023). Trong đó: hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 1.571 hộ, chiếm tỷ lệ 1,91% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh (giảm 1,33% so với năm 2023).
Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh có 4.798 hộ, chiếm tỷ lệ 1,33% số hộ toàn tỉnh (giảm 0,74% so với năm 2023). Trong đó: hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 2.921 hộ, chiếm tỷ lệ 3,56% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (giảm 1,95% so với năm 2023).
Tổng số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 7.122 hộ, chiếm tỷ lệ 1,97% số hộ toàn tỉnh (giảm 1,19% so với năm 2023). Trong đó: tổng số hộ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 4.492 hộ, chiếm tỷ lệ 5,47% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh (giảm 3,28% so với năm 2023).
Những kết quả trên cho thấy những nỗ lực rất lớn của chính quyền, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của khu vực KTTT, HTX. Thực tế thì thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng rất chú trọng phát triển khu vực kinh tế này.
Phó Chủ tịch Phụ trách Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng Đinh Thị Hạnh cho biết, năm 2024, Lâm Đồng có 51 HTX và 35 THT được thành lập mới, nâng tổng số HTX lên 592 HTX, 438 THT. Lâm Đồng còn có 5 Liên hiệp HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Số HTX đang hoạt động có hiệu quả khá trở lên chiếm 38,8%. Doanh thu trung bình của các HTX hoạt động hiệu quả đạt 2,8 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 300 triệu đồng/HTX. Lợi nhuận trung bình của một quỹ tín dụng nhân dân là 7,2 tỷ đồng. Tổng số lao động trong HTX là 11.139 lao động (tăng 100 lao động so với năm 2023), với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/thành viên/tháng.
Được sự hỗ trợ của tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam… thời gian qua Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách HTX, cũng như phối hợp với các đoàn thể chính trị của tỉnh Lâm Đồng tổ chức 4 lớp tuyên truyền về kinh tế tập thể, kinh tế HTX cho các thành viên.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cũng đã hỗ trợ 25 HTX tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam, tổ chức khóa tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ tư vấn của Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng.
Có thể thấy, ở Lâm Đồng bằng những chính sách đi sát với khu vực HTX, đang khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT, HTX trong xóa đói giảm nghèo. Việc hỗ trợ từ lúc thành lập đến khi HTX đi vào hoạt động đã giúp các HTX tự tin, sẵn sàng đầu tư để phát triển. Đặc biệt, thông qua các HTX, người dân có định hướng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp giảm nghèo bền vững.
Quốc Anh