Thời gian qua, chương trình giảm nghèo luôn được coi là chương trình trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Giang. UBND tỉnh Hà Giang đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo thể hiện qua hệ thống các văn bản chỉ đạo và các chính sách ban hành hướng tới người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội tiến tới giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.
Giảm nghèo hiệu quả
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 94.727 hộ nghèo, cận nghèo đa chiều; chiếm 49,95% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 8.889 hộ, giảm 5,17% so với cuối năm 2021); trong đó, 70.318 hộ nghèo và 24.409 hộ cận nghèo.
Thành viên HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A đang giới thiệu sản phẩm. |
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên. Phấn đấu đến năm 2025 có 2 huyện nghèo và 29 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu đó, các cấp, ngành của tỉnh đang dồn lực, tập trung tăng cường lãnh, chỉ đạo toàn diện đối với công tác giảm nghèo. Trong đó, các HTX đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, gắn với điều kiện của địa phương, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Chị Sùng Thị Si, dân tộc Mông là Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) cho biết: hiện nay, HTX có 20 thành viên, đều là đồng bào dân tộc Mông, phần lớn là phụ nữ. Các chị em đều có hoàn cảnh khó khăn, có người bị tàn tật, có người đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, có người từng bị lừa bán sang Trung Quốc.
Những ngày đầu HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A mới thành lập, chị Si nghĩ ngay đến những chị em không có việc làm, gia cảnh khó khăn trong xã. Chị đã cùng các thành viên sáng lập đến từng nhà chị em trong xã Sà Phìn, tìm hiểu tâm tư, động viên chị em tham gia HTX để có việc làm, có thu nhập ổn định. Các chị em được dạy nghề thêu, dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh trắng. Sau khóa học nghề ngắn hạn, nhiều chị em đã tự tin tham gia làm việc tại HTX, thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/tháng.
Dưới sự điều hành của Giám đốc Sùng Thị Si, HTX ngày càng phát triển. Cùng sự nỗ lực, gắn kết của các thành viên, HTX đã tạo ra nhiều mặt hàng độc đáo với bản sắc riêng, có giá trị trên thị trường, mang lại cuộc sống đủ đầy, ấm no hơn cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở xã Sà Phìn.
Qua 5 năm hoạt động, đến nay số thành viên của HTX và thành viên liên kết là 131 thành viên, trong đó 100% thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số. “Từ ngày có thu nhập từ công việc tại HTX, cuộc sống của các thành viên trở nên đầm ấm, hòa thuận, con cái được học hành đầy đủ”, chị Si cho hay.
Phát huy vai trò của HTX
Thực tế, thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xây dựng được thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho thành viên. Hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được cải thiện, loại hình ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình mới, hỗ trợ tốt cho kinh tế hộ thành viên phát triển. Điều quan trọng hơn cả, đó là các HTX đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, gắn với điều kiện của địa phương, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Chị Lý Mùi Mương, Phó giám đốc HTX sản xuất chế biến chè Phìn Hồ giới thiệu chè OCOP 5 sao tới khách hàng. |
Một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong thu hút thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn là HTX sản xuất chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì). Đây tiền thân từ một tổ hợp tác nhỏ lẻ đã trở thành một HTX có quy mô lớn và đang sở hữu một trong những danh trà thứ thiệt của Hà Giang với thương hiệu Fìn Hò Trà.
Bà Ðỗ Thị Viết, thành viên HTX cho hay: Nhờ chính sách đổi mới của Nhà nước trong phát triển kinh tế tập thể, HTX cùng với chính sách hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững mà người dân là những thành viên có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều gia đình đã thoát được nghèo và nâng cao đời sống.
Bằng các hoạt động tăng cường liên kết với các thành viên, các HTX đã phát triển nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Hà Giang, như: dệt thổ cẩm, mật ong bạc hà, cam sành, rượu ngô men lá, thực phẩm qua chế biến. Bên cạnh đó, nhiều HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo
Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, với quan điểm phát triển KTTT, HTX không chạy theo số lượng mà tập trung xây dựng HTX theo chiều sâu, tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ HTX phát triển bền vững, từng bước xây dựng các mô hình HTX điển hình có sự liên kết chặt chẽ với các hộ thành viên trong sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị để nhân rộng.
"Tỉnh Hà Giang đang tập trung triển khai hiệu quả các dự án thành phần về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, việc làm bền vững”, bà Hà Thị Minh Hạnh cho hay.
Đến nay, Hà Giang đã có có 722 HTX và 6.232 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong các ngành và các lĩnh vực. Ðây là một khu vực kinh tế rộng lớn có tác động quan trọng, không thể thay thế được đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là những ngành nghề như nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản, tín dụng nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, vận tải hàng hóa, hành khách... và có ảnh hưởng trực tiếp đời sống, công ăn việc làm, thu nhập cho các hộ gia đình đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng cao của tỉnh.
Đặc biệt, việc phát triển mô hình HTX đã góp phần đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.
Để tiếp tục hướng đến giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đào tạo nghề cho lao động, kết hợp tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX; chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển HTX.
Bà Lò Thị Mỷ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang cho biết, thời gian tới đơn vị này cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất, mô hình HTX. Qua đó, thúc đẩy phát triển các HTX mới tại những nơi đủ điều kiện và người dân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực của các địa phương. Đơn vị cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.
Hoàng Hà