Sinh ra và lớn lên ở thành phố Hà Tĩnh, nơi có những ao hồ nuôi tôm trù phú của người dân ven sông Phủ, sông Rào Cái nên anh Dũng say mê với sông nước từ nhỏ. Lớn lên, anh theo học ngành nuôi trồng thủy sản và được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm tại một số tỉnh như Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.
Mô hình điển hình
Nhận thấy tiềm năng để phát triển nuôi tôm trên cát của địa phương, tháng 3/2010, anh vận động bạn bè thành lập Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành, cùng đầu tư nuôi tôm. Với nguồn vốn huy động từ gia đình, các thành viên và ngân hàng, anh đầu tư 3 ha ao nuôi tôm.
Khu vực ao nuôi tôm thẻ chân trắng của HTX (Ảnh: Internet) |
Đến năm 2011, Tổ hợp tác phát triển thành HTX Nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu Xuân Thành, gồm 10 thành viên chính thức và 25 – 30 lao động địa phương. Song song với nuôi trồng thủy sản, HTX còn mở rộng kinh doanh, dịch vụ thức ăn, giống thủy sản, dịch vụ thú y, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm thủy sản,…
Hiện nay, diện tích nuôi của HTX đã tăng lên 13 ha, sản lượng hàng năm đạt 250-300 tấn tôm thẻ thương phẩm, năng suất bình quân 25-30 tấn/ha/vụ, cá biệt có vụ đạt 40 tấn/ha. Tôm được bán cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở các tỉnh với giá 130 – 150 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu về hàng chục tỷ đồng. HTX trở thành điển hình phát triển kinh tế hợp tác của huyện Nghi Xuân cũng như toàn tỉnh Hà Tĩnh, đóng góp nguồn ngân sách lớn cho địa phương, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện,…
Anh Dũng cho biết những thành quả đạt được như ngày hôm nay là kết quả của quá trình nỗ lực hết mình của toàn thể thành viên và người lao động trong HTX. Song song gắn kết giữa trách nhiệm và quyền lợi, HTX còn tạo lòng tin bằng phương thức sản xuất bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) để các thành viên, người lao động yên tâm sản xuất.
Sản lượng tôm thương phẩm hàng năm của HTX đạt 250-300 tấn (Ảnh:Internet) |
Bằng việc đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, cải tiến kỹ thuật nuôi, HTX đã tạo ra sản phẩm nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm các tiêu chí của sản xuất VietGAP như: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái; quản lý tốt sức khỏe động vật thủy sản; thực hiện các trách nhiệm về phúc lợi xã hội và ATLĐ.
Chú trọng an toàn lao động
Theo các thành viên HTX, quy trình nuôi tôm mang lại hiệu quả cao được HTX áp dụng gồm 2 giai đoạn. Tôm giống được ương gièo trong bể chìm có mái che hoặc bể nổi từ 20-25 ngày sau khi phát triển tốt mới chuyển qua các ao nuôi thương phẩm. Ở giai đoạn nào cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động nên HTX đặc biệt khuyến cáo thành viên chú trọng ATLĐ.
Trước khi ương nuôi phải cải tạo ao hồ, nạo vét bùn đáy ao, diệt tạp, diệt các vật chủ trung gian, diệt mầm bệnh. Việc nạo vét ao hồ đa số sử dụng cơ giới nên tác động của môi trường do mùn bã hữu cơ tích tụ, khí độc... ít ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Ở giai đoạn nuôi thương phẩm và thu hoạch, người lao động phải thường xuyên tác động vào môi trường nuôi như: Cho ăn nhiều lần/ngày, thay nước định kỳ, trộn kháng sinh, thuốc bổ vào thức ăn, thức đêm chạy sục khí, lặn đáy kiểm tra…
Làm việc ngoài trời, lội nước, thả lưới, kéo lưới, thường xuyên ngâm mình trong nước… nên người lao động có nguy cơ lớn mắc các bệnh viêm da, nấm da, mẩn ngứa, dị ứng. Vì thế, để bảo đảm ATLĐ, HTX đã trang bị đầy đủ số lượng, chủng loại các trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân cho các thành viên, giúp họ yên tâm sản xuất.
Vào mùa vụ nuôi, các guồng máy hoạt động liên tục, không khí làm việc của người lao động cho tôm ăn trên khắp ao hồ nuôi khác hẳn sự hoang hóa cằn cỗi trước đây. Nhiều người dân địa phương nhận định, từ khi triển khai mô hình nuôi tôm của HTX “cát đã hóa thành vàng”.
Thu Huyền