Mô hình liên kết của THT đang mang lại lợi ích kép về kinh tế, ATLĐ cho thành viên |
Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng
Trong nhiều năm qua, THT Phước Đồng đang có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo thị trường tiêu thụ cho 700 – 1.000 tấn cá/năm, với giá bán cao và ổn định.
Anh Trần Văn Đạt – thành viên liên kết của THT, chia sẻ: “Tham gia vào chuỗi liên kết của THT, chúng tôi được phía doanh nghiệp hỗ trợ về nhiều mặt, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định với mức giá hợp lý, qua đó nâng cao hiệu quả đánh bắt”.
Ở chiều ngược lại, để được hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm, phía THT và các ngư dân phải đảm bảo số lượng, chất lượng cá cho doanh nghiệp. Các loại cá ngừ được doanh nghiệp thu mua phục vụ cho xuất khẩu nên việc đảm bảo chất lượng càng được siết chặt.
Đại diện THT nghề cá Phước Đồng cho biết, sau gần 2 năm liên kết, được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, ngư dân thực hiện tốt hơn kỹ thuật đánh bắt, bảo quản, cho nên chất lượng sản phẩm nâng cao đáng kể. Hiệu quả khai thác, thu nhập qua từng chuyến biển được nâng lên.
So với ngày đầu thành lập, quy mô của THT đã tăng đáng kể. Nếu ban đầu, chuỗi đánh bắt của THT chỉ có khoảng 40 tàu cá tham gia, thì đến nay đã có hơn 100 tàu cá tham gia liên kết, trong đó có nhiều tàu công suất lớn, đảm bảo sản lượng phục vụ nhu cầu cao của doanh nghiệp.
Thành công của THT đang tạo hiệu ứng tích cực, tạo sức lan tỏa trên toàn tỉnh |
"Lợi ích kép" cho cả ba bên
Mô hình liên kết xây dựng chuỗi từ đánh bắt, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đang mang lại lợi ích kép cho không chỉ ngư dân mà còn cho cả THT và phía doanh nghiệp
Với ngư dân, bên cạnh được bao tiêu sản phẩm, các hộ liên kết được doanh nghiệp quy định rõ ràng về tiêu chuẩn sản phẩm, hỗ trợ dụng cụ và hướng dẫn ngư dân cách thức khai thác, bảo quản cá đạt chất lượng cao và đặc biệt là đảm bảo ATLĐ trong quá trình đánh bắt.
Đơn cử, trong quá trình đánh bắt, mỗi ngư dân sẽ được tập huấn, trang bị kiến thức về việc đánh bắt an toàn, đảm bảo ATLĐ, như không sử dụng bình gas mini trên tàu, tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng cháy chữa cháy, trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ…
Sau khi đánh bắt, doanh nghiệp cung cấp dụng cụ giết mổ, hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp giết mổ đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm chất lượng cũng như đảm bảo ATLĐ cho ngư dân trong quá trình sơ chế.
Chẳng hạn, khi giết mổ cá, ngư dân được hướng dẫn sử dụng các loại máy móc, cách sử dụng dao mổ an toàn, trang bị găng tay, khẩu trang để tránh xảy ra tai nạn, mất ATLĐ…
Về phía doanh nghiệp, thực hiện chuỗi liên kết, doanh nghiệp không những tự tin có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng bảo đảm phục vụ chế biến, xuất khẩu mà còn có khả năng rất tốt trong việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.
Ðây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường. Ðơn cử như thông qua chuỗi liên kết, ngư dân cam kết không đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nên sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp đạt chất lượng cao; có nguồn gốc rõ ràng, rất thuận lợi khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã hình thành nhiều chuỗi liên kết với sự tham gia của nhiều HTX, THT và doanh nghiệp thủy sản lớn. Thành công của THT nghề cá Phước Đồng và doanh nghiệp liên kết là một trong những điểm sáng, khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh.
Nhật Minh