Tại các tỉnh có hoạt động nuôi trồng thủy sản lớn của 3 miền Bắc – Trung – Nam như Thái Bình, Ninh Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh, số lượng HTX nuôi tôm sinh thái hiện nay khá ít, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có rừng ngập mặn ven biển như Cà Mau.
Nguyên nhân là do hình thức nuôi tôm sinh thái tuy đã phát triển ra khắp các tỉnh thành cả nước, nơi có sự hiện diện của rừng ngập mặn, tuy nhiên về hình thức tổ chức theo mô hình HTX thì chưa nhiều. Một phần là do nhận thức về mô hình kinh tế HTX của bà con nông dân ven biển còn nhiều hạn chế, một phần do diện tích rừng ngập mặn phân bố không đều giữa các địa phương, hình thức quản lý rừng ngập mặn tại mỗi địa phương là khác nhau.
Thí điểm mô hình
Nhằm phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm của khu vực HTX, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm sinh thái cho các HTX thủy sản ven biển” và chọn HTX Cua biển Năm Căn (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) để thí điểm xây dựng mô hình HTX nuôi tôm sinh thái.
Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn |
Th.s Nguyễn Tiến Dũng – chủ nhiệm đề tài cho biết: Nhóm xây dựng mô hình thí điểm đã tư vấn, tập huấn cho người dân quy trình nuôi tôm sinh thái chú trọng các khâu kiểm soát chất lượng con giống, chất lượng môi trường nước ao nuôi. Người dân được hướng dẫn sử dụng máy đo nhanh chất lượng nước và cách so sánh đánh giá các chỉ tiêu đo đạc với hệ thống các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng môi trường nước ao nuôi thủy sản. Ngoài ra, nhóm thực hiện đề tài còn hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý đáy ao; hỗ trợ máy đo chất lượng nước đa chỉ tiêu.
Kết quả cho thấy vụ tôm cuối năm 2018, năng suất tôm thu hoạch tại ao nuôi thực nghiệm có xử lý đáy ao và thực hiện quy trình mới cao hơn năm 2017 từ 5 đến 7%. Chất lượng con tôm đồng đều, sức sống khỏe, không phát hiện bệnh dịch. Hiệu quả kinh tế tăng 10 - 12% so với năm trước đó.
So với quy trình nuôi tôm sinh thái thông thường mà bà con nông dân đang áp dụng, quy trình mới có hiệu quả hơn đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ sống của tôm cao hơn từ 1,5 đến 2 lần. Kích cỡ tôm thành phẩm đạt 32 – 35 con/kg trong khi quy trình thông thường chỉ đạt 35 – 40 con/kg. Năng suất tôm của quy trình mới được hoàn thiện tăng hơn so với quy trình thông thường 78,6 - 191,6 kg/ha/năm (đạt 14 – 28,6% ).
Lợi ích môi trường
Thành tựu đó là do việc kiểm soát đầu vào của quy trình đã được thực hiện nghiêm ngặt từ khâu xử lý môi trường vuông tôm, lựa chọn con giống đạt tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng nước và thức ăn tự nhiên cung cấp cho tôm, cua. Với kết quả tích cực này, các thành viên của HTX cam kết sẽ thực hiện các bước nuôi trồng theo quy trình nuôi trồng mới đã được tập huấn.
Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn còn cho lợi ích to lớn về mặt môi trường. Theo nhận định của các nhà sinh thái học, rừng ngập mặn là loại hệ sinh thái vô cùng đa dạng và quý giá, bên cạnh đó, cây rừng ngập mặn có khả năng tích trữ cacbon sinh khối vào dạng cao nhất, nên nó được coi là nhà máy lọc không khí hiệu quả nhất hiện nay. Thay vì phá rừng nuôi tôm như trước kia, hiện nay người dân tích cực trồng thêm rừng để có thể nuôi tôm sinh thái.
Có thể khẳng định, mô hình nuôi tôm sinh thái là mô hình phù hợp với khả năng và điều kiện của các HTX nuôi trồng thủy sản ven biển hiện nay nếu khu vực có rừng ngập mặn hoặc đất ngập nước. Để ứng dụng rộng rãi mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn ven biển cho các HTX nuôi trồng thủy sản, Trung tâm KHCN&MT cho rằng cần tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo nhân rộng mô hình tại các vùng ven biển trên cả nước; đồng thời có các chính sách khuyến khích người nông dân, HTX phát triển rừng ngập mặn và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng ngập mặn như khoán rừng, chính sách về hỗ trợ vốn, hỗ trợ giá, hỗ trợ kỹ thuật,…
Hà Xuyên