Cây ổi lê bén rễ trên vùng đất Quang Thành từ nhiều năm trước, nhưng chỉ thực sự được chú trọng đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa từ khoảng năm 2016. Đến nay, toàn xã đã có xấp xỉ 30 ha trồng ổi, trong đó nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường, cho hiệu quả cao.
Hiệu quả gia tăng
Sở hữu mô hình trồng ổi lê quy mô hơn 300 cây trên diện tích hơn 1 ha, gia đình ông Trần Đăng Đức, thành viên Tổ hợp tác trồng trọt xã Quang Thành, đang là một trong những hộ trồng ổi lê VietGAP lớn nhất tại địa phương.
Mô hình trồng ổi lê cho hiệu quả cao nhờ sản xuất sạch (Ảnh TL). |
Ông Đức cho hay, để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong suốt quá trình thâm canh, gia đình ông chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, nói không với các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng…
Để cây phát triển ổn định, bên cạnh phân hữu cơ, vườn ổi luôn được duy trì độ ẩm, cỏ dại được làm sạch bằng máy cắt, các luống được vun cao để tránh ngập úng. Khi quả ổi đạt kích thước nhất định thì tiến hành bọc quả bằng túi giấy.
Việc bọc quả bằng túi giấy giúp giảm thiểu sâu, bệnh hại, từ đó tiết kiệm chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường, mô hình trồng ổi lê VietGAP của ông Đức liên tục cho kết quả cao. Với 300 gốc ổi, giá bán ổn định ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm, gia đình thu về trên 100 triệu đồng, sau trừ chi phí.
“Không chỉ cho giá trị kinh tế cao, nhờ sản xuất sạch, vườn ổi nhà tôi luôn có cảnh quan thoáng mát, sạch sẽ, môi trường trong lành. Tôi cùng các thành viên Tổ hợp tác đang hướng đến việc xây dựng mô hình kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái”, ông Đức nhấn mạnh.
Hiệu quả vượt trội đang giúp mô hình trồng ổi lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn xã Quang Thành. Cùng với sự gia tăng về diện tích, thương hiệu ổi lê Quang Thành cũng ngày càng được nâng lên.
Nhờ chất lượng tốt, ổi lê của xã đang có giá trên 30.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ ổn định. Giá trị bình quân của mô hình trồng ổi lê đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Hỗ trợ toàn diện
Theo UBND xã Quang Thành, mô hình trồng ổi lê đang cho giá trị gấp 3 - 4 lần các loại cây ăn quả truyền thống. Nhờ sản xuất hữu cơ, các sản phẩm ổi tươi, nước ép từ ổi của các hộ dân trên địa bàn được thị trường đánh giá rất cao, không chỉ tại Nghệ An mà còn nhiều tỉnh, thành khác.
Nhờ chất lượng vượt trội, ổi lê Quang Thành được thị trường đánh giá cao (Ảnh TL). |
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, xã đang thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ các hộ dân sản xuất ổi theo hướng hữu cơ, VietGAP, thân thiện môi trường. Xã cũng chủ động thực hiện khảo sát để kịp thời có những chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho người dân.
Đơn cử, về kỹ thuật, đội ngũ cán bộ nông nghiệp tại địa phương đang tăng cường tập huấn, tư vấn, cập nhật quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP, đẩy mạnh hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác để phát triển vùng sản xuất trên quy mô lớn, nhằm nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vấn đề quy hoạch, mở rộng diện tích có tính toán cũng đang được xã Quang Thành đặc biệt quan tâm, nhằm tránh tình trạng “vỡ quy hoạch”, đảm bảo chất lượng sản phẩm, khơi thông thị trường tiêu thụ.
Thời gian tới, để xây dựng thương hiệu, xã sẽ tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm ổi lê Quang Thành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Hưng Nguyên