Với nền tảng từ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn, HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, Tp.HCM) đang phát triển chăn nuôi lợn giống và lợn thương phẩm chất lượng cao cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Nam.
Chăn nuôi chuyên nghiệp
HTX Tiên Phong là sự liên kết của 14 trang trại chăn nuôi lợn ở các xã trên địa bàn huyện Củ Chi, như: An Phú, Phú Mỹ Hưng, Thái Mỹ, Nhuận Đức, Tân Thạnh Đông, Phước Vĩnh An. 14 trang trại này có sự thống nhất trong quá trình nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KH-KT trong chăn nuôi lợn an toàn theo hướng sinh học để sản xuất ra thịt heo đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Nhờ vậy, HTX đã được chứng nhận VietGAP từ nhiều năm nay.
Với nguồn vốn góp và vay ngân hàng, 14 trang trại đều xây dựng khu trang trại khép kín hiện đại. Một khu chuyên sản xuất lợn giống với quy mô đàn nái là 800 - 1.000 con. Khu còn lại chuyên nuôi lợn hậu bị và lợn thương phẩm, quy mô 2.500 - 4.000 con.
Các trang trại đều “cấm cửa” tất cả các chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời đầu tư từ giống, thức ăn, kỹ thuật phòng trị bệnh, bảo vệ môi trường xung quanh bằng hệ thống hầm biogas và máy lạnh…
HTX thực hiện quản lý tình hình chăn nuôi bằng phần mềm vi tính để phục vụ công tác tiêm phòng, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh được hiệu quả, chính xác. HTX cũng yêu cầu người ra vào chăm sóc lợn phải mặc bảo hộ và khử trùng trước khi vào trang trại.
Với quy mô đàn nái như trên, Tiên Phong đã phần nào chủ động nguồn con giống cung ứng cho nhu cầu nuôi thương phẩm của các trang trại. Nguồn lợn giống do HTX sản xuất bảo đảm yêu cầu sạch bệnh, có khả năng tăng trưởng tốt khi nuôi thương phẩm.
Việc áp dụng toàn bộ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ giúp HTX đoạn tuyệt với các loại dịch bệnh, mà còn giảm chi phí nhân công, chi phí thuốc thú y, thức ăn khoảng 5 - 10%, đồng thời tăng khoảng 10% thịt mỗi vụ. Thời kỳ “bão giá” vừa qua, HTX vẫn vững vàng vượt qua là do chăn nuôi bài bản, khoa học, tiết giảm chi phí và xây dựng được thương hiệu cho riêng mình.
Khu nuôi lợn thương phẩm của HTX |
Chất keo gắn kết HTX
Theo Ban giám đốc HTX, để có được ngày hôm nay là nhờ HTX đã đi lên từ mô hình trang trại của các hộ thành viên. Nếu các trang trại có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, lại theo phương thức canh tác độc lập, riêng lẻ, thiếu liên kết thì sức mạnh kinh tế sẽ nhỏ bé, khả năng chống chịu với rủi ro thấp.
Chính vì vậy, sự liên kết, hợp tác của các hộ thành viên là nền tảng vững chắc, là chất keo gắn kết để tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những khó khăn.
Khi liên kết thành lập HTX, những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất đã được giải quyết, khả năng đầu tư công nghệ tốt hơn nên sản phẩm có thương hiệu, không bị ép giá và bị lép vế trên thị trường. Việc ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, số lượng lớn với các doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn.
Đặc biệt, sau khi có Luật HTX 2012, mô hình HTX phát huy được vai trò làm đầu mối để tổ chức sản xuất, giúp hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản cho hộ thành viên. Từ đó, HTX giúp tiết kiệm chi phí, tiêu thụ sản phẩm ổn định nên đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với các trang trại hoạt động riêng lẻ.
Hiện nay, HTX mới thu hút được 14 trang trại, nhưng đã giúp cho thu nhập của hộ thành viên cao hơn so với các hộ dân sản xuất độc lập, không tham gia HTX.
Ông Trầm Quốc Thắng - Giám đốc HTX Tiên Phong, cho rằng để nghề chăn nuôi có thể “sống được” trong thời buổi hiện nay, Ban giám đốc HTX tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với đó, HTX chú trọng thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như tiêu độc khử trùng, cách ly lợn mới nhập, tắm sát trùng công nhân, khách tham quan… Nhờ đó, tình hình dịch tễ ở các trại chăn nuôi luôn được ổn định, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo nên thành công trong suốt thời gian qua ở HTX.
Như Yến