Xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) là một trong những địa phương sớm thực hiện chăn nuôi theo phương thức VietGAP. Trên địa bàn xã đã có các sản phẩm lợn thịt, gà thịt, trứng gà, tôm... được chăn nuôi theo phương thức VietGAP.
Đa dạng các sản phẩm VietGAP
Điều rất đặc biệt, từ năm 2016, đã có hơn 140 hộ tham gia vào HTX chăn nuôi VietGAP với gần 190 gia trại, trang trại quy mô bình quân 10.000 - 20.000 con gà/gia trại, trang trại và 20 - 70 con lợn/mô hình. Mỗi năm, các hộ dân tạo ra sản lượng gần 400 tấn thịt các loại, hàng triệu quả trứng gia cầm… với doanh thu hàng tỷ đồng.
Tại xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu), mô hình sản xuất rau mùi tàu với 4ha theo tiêu chuẩn VietGAP đang được triển khai rầm rộ, thu hút nhiều nông dân ngoài HTX nông nghiệp Diễn Thái tham gia.
Theo khảo sát của Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu, toàn huyện đã có 35ha trồng trọt và chăn nuôi theo mô hình VietGAP đã được cấp giấy chứng nhận và có liên kết. Đó là 20ha rau, củ, quả ở Diễn Thái và Diễn Phong; 15ha tôm ở xã Diễn Trung. Các sản phẩm theo mô hình VietGAP đã có liên kết nên đầu ra được bảo đảm hơn, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Từ 35ha theo mô hình VietGAP và được cấp giấy chứng nhận, có hợp đồng liên kết, UBND huyện Diễn Châu đã phối hợp nhiều ngành tổ chức tập huấn, nhân rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo VietGAP.
Tính ra, toàn huyện đã có 435ha chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình VietGAP chưa có giấy chứng nhận: Sản xuất lúa, rau màu, lạc...
Từ 10 xã ban đầu triển khai mô hình chăn nuôi VietGAP, đến nay toàn tỉnh đã có 20 xã của 4 huyện là Đô Lương, Nam Đàn, Diễn Châu và Nghi Lộc thực hiện theo mô hình VietGAP (10 xã mô hình và 10 xã nhân rộng), với 1.157 hộ thuộc 58 nhóm tham gia.
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc sở NN&PTNT Nghệ An, đánh giá: “Các sản phẩm từ sản xuất theo mô hình VietGAP ở Nghệ An xuất hiện ngày càng nhiều và hiện đã có ở nhiều chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân”.
Mô hình nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAp ở HTX Diễn Trung |
Vẫn bí đầu ra
Dù hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm an toàn... nhưng đầu ra cho sản phẩm VietGAP vẫn đang rất khó khăn. Ông Đậu Ngọc Hòa - Giám đốc HTX Diễn Trung (huyện Diễn Châu) từng thừa nhận sản phẩm đang phụ thuộc nhiều vào thị trường.
Ông Hòa nói: “Rất khó khăn trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định,vì hiện HTX và các hộ gia đình chỉ mới được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, trong khi người mua đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc, dán tem sản phẩm thì vẫn chưa làm được”.
Hiện tại, đây là năm thứ 3 tổ sản xuất VietGAP của xã Xuân Sơn huyện Đô Lương (Nghệ An) được thành lập và đi vào hoạt động, với 42 hộ tham gia. Thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi hộ nuôi gà thường xuyên có 20.000 - 30.000 con; lợn 30 - 50 con. Năm 2017, nằm trong tình trạng thua lỗ, ế ẩm chung, quy mô đàn vật nuôi ở Xuân Sơn giảm hẳn, chỉ còn khoảng 2.500 con gà/hộ.
Ông Đặng Ngọc Thành - Trưởng ban Khuyến nông xã Xuân Sơn (huyện Đô Lương), cho biết: Hầu như sản phẩm chăn nuôi VietGAP vẫn đang phụ thuộc vào thương lái, chưa đưa vào các đầu mối tiêu thụ ổn định nhiều, trong khi người tiêu dùng vẫn ưa chuộng thịt lợn nuôi bình thường trong dân hơn vì quan niệm lợn sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ không ngon.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, một số tổ nhóm, HTX đã liên kết với các tổ chức như siêu thị, trường học và các KCN để tiêu thụ sản phẩm, nhưng lượng xuất bán ổn định hiện vẫn còn thấp.
Để sản phẩm VietGAP ở Nghệ An ngày càng phát triển mạnh về số lượng, đứng vững trên thị trường tiêu dùng đang là bài toán cần phải giải quyết trong một thời gian không phải là ngắn.
Thanh Hải