Xã An Thới Đông nói riêng, huyện Cần Giờ nói chung là nơi có nhiều yếu tố thuận lợi về thổ nhưỡng, sông nước, diện tích rừng ngập mặn rất lớn, lại gần biển tạo nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến. Đây cũng là điều kiện cần để HTX Thuận Yến Quyết định đầu tư nuôi chim yến.
Chăn nuôi không ô nhiễm
Nuôi chim yến không hề đơn giản, vì quá trình nuôi dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường do chất thải và ô nhiễm tiếng ồn do máy dẫn dụ chim yến gây ra.
Giải quyết được những khó khăn về môi trường, khắc phục được lối chăn nuôi nhỏ lẻ chính là điều kiện đủ để HTX phát triển bền vững.
HTX đã xây dựng, quy hoạch vùng nuôi chim yến cách xa khu dân cư. Hiện nay, diện tích phục vụ sản xuất của HTX là 850.000 m2, trong đó, 500.000 m2 (5 nhà nuôi) là để nuôi yến, 300.000 m2 là trụ sở làm việc, còn lại là diện tích nuôi thủy sản.
Sản lượng yến thô mà HTX đạt được là 150kg/vụ (1 năm thu hoạch khoảng 4 vụ). Sau thu hoạch, HTX nhặt lông, làm sạch và đóng hộp (100gram/hộp). Với giá bán dao động 3 - 4,5 triệu/100gram, mỗi năm, HTX thu về hàng tỷ đồng từ nuôi yến.
Đi đôi với hiệu quả kinh tế, HTX luôn chú trọng hạn chế tác động đến môi trường. Chất thải từ việc nuôi chim yến đều được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp như: Ủ, đốt, chôn lấp… nhằm bảo đảm an toàn trước khi đưa ra môi trường.
Mỗi nhà nuôi sẽ có 2 lao động thường xuyên giám sát tình trạng sức khỏe của đàn yến. Trong trường hợp có dịch bệnh, HTX thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y.
Đối với tiếng ồn của các thiết bị âm thanh dẫn dụ chim yến, HTX bảo đảm không vượt quá 70 dexiben, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Nuôi yến là nghề phát triển kinh tế đầy triển vọng và phù hợp với chủ trương phát triển nền nông nghiệp đô thị của địa phương hiện nay và trong tương lai. Bên cạnh đó, nuôi yến còn giúp khống chế một số dịch bệnh vì thức ăn của chim yến là các côn trùng bay trong không khí.
Chính vì vậy, yến là loài có thể dùng để đấu tranh sinh học với nhiều loài côn trùng có hại cho cây trồng, sức khỏe con người và gia súc như muỗi truyền bệnh, rầy nâu, rầy xanh đuôi đen…
Một nhà dụ yến của HTX |
Mở rộng sản xuất
Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX liên kết cùng doanh nghiệp, chế biến yến thô thành các thức uống, sản phẩm đa dạng, giàu dưỡng chất và có thể bảo quản trong thời gian nhất định.
Các sản phẩm từ chim yến của HTX có độ giòn, thơm và hàm lượng protein cao hơn sản phẩm các nơi khác nên triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến tại HTX là rất lớn.
Ngoài ra, HTX còn kết hợp giữa nuôi chim yến với nuôi trồng thủy sản nhằm tạo dựng môi trường sinh thái để khai thác dịch vụ du lịch tổng hợp, góp phần tăng thêm giá trị từ đất đai và thu hút thêm thành viên.
Cá chẻm và cá dứa và hai loài thủy sản được HTX lựa chọn. Đây là những loài cá rất khó nuôi và cũng rất ít mô hình có thể thành công trong việc đem cá giống trong tự nhiên về nuôi. Ngay cá giống ép từ cá bố mẹ đã thuần dưỡng cũng không dễ nuôi.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nhiệm - Trưởng Ban quản trị HTX Thuận Yến, khi áp dụng theo mô hình chăn nuôi thủy sản hữu cơ, tỷ lệ hao hụt từ nuôi cá chẻm và cá dứa của HTX là 20%, đây là con số chấp nhận được, giúp sản lượng cá đạt khoảng 15 tấn/vụ.
Ngoài nguồn lợi từ chim yến, giờ đây, HTX còn có thêm thu nhập từ nuôi thủy sản. Đây cũng là "lực hút" để HTX thu hút thêm thành viên. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã có 12 thành viên, cùng nhau góp vốn để tăng vốn điều lệ, mở rộng sản xuất, đáp ứng những đơn hàng lớn.
Hiện, HTX đang tiến hành xây thêm 4 nhà nuôi yến và liên kết với công ty Việt Úc xây dựng mô hình nuôi tôm thâm canh kỹ thuật cao nhằm đem lại thêm nguồn lợi về kinh tế và cải thiện môi trường chăn nuôi nhằm phát triển bền vững.
Như Yến