Tại xã Bản Lầu - vựa dứa lớn nhất của huyện Mường Khương, những vườn dứa chín vàng đang được thương lái thu mua với giá cao. Vụ thu hoạch dứa thường bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trên những triền đồi, nhiều diện tích sau khi thu hoạch xong đã được nông dân đánh hàng, trồng dứa vụ mới.
Mang lại thu nhập ổn định
Chị Hoàng Thị Hường, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu cho biết, những năm trước, do giá phân bón cao, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên nhiều hộ dân bị thua lỗ, không dám mở rộng diện tích. Nhưng từ năm ngoái, tình hình tiêu thụ dứa ổn định trở lại, bà con có lãi nên yên tâm sản xuất hơn.
“Gia đình tôi trồng 10 vạn cây dứa, tương đương hơn 2 ha. Đến nay đã thu hoạch khoảng 80%, thu về 400 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn khoảng 200 triệu đồng. Dứa năm nay được mùa, được giá nên chúng tôi rất phấn khởi”, chị Hường nói.
![]() |
Trồng dứa giúp người dân Bản Lầu thoát nghèo. |
Theo ông Cư Trữ, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, vụ dứa vừa qua, toàn xã có khoảng 1.500 ha dứa, năng suất trung bình 35 tấn/ha. Giá dứa thu mua tại nương đạt khoảng 6.000 đồng/kg, còn giá bán tại nhà máy chế biến đạt từ 8.000 đồng/kg trở lên. Với mức giá này, người dân có lãi cao. Người dân đang tích cực mở rộng diện tích, năm nay tăng khoảng 200 ha so với năm trước.
Nhiều năm nay, cây dứa đã giúp gia đình ông Tráng Seo Dìn, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu có thu nhập khá và ổn định. Nhờ trồng dứa, mỗi năm gia đình ông Dìn có nguồn thu từ 30 - 50 triệu đồng. Năm 2024, dù chỉ có hơn 1 vạn gốc dứa nhưng ông Dìn thu khoảng 40 triệu đồng vì dứa được mùa, được giá.
“Trồng dứa không cho thu nhập quá cao nhưng dễ bán và giá cả tương đối ổn định. Năm 2024, tôi đã trồng xong 2 vạn cây giống chính vụ trước Tết Nguyên đán và dự kiến sẽ trồng thêm khoảng 1 vạn cây vào đầu tháng 4 dương lịch”, ông Dìn chia sẻ.
Tương tự, bà Vương Thị Phương, thôn Na Mạ 1 cũng coi dứa là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính nên rất quan tâm đến khâu trồng và chăm sóc. Để có đủ 10 vạn cây giống cho vụ sản xuất chính của năm 2025, gia đình bà Phương đã phải chuẩn bị giống từ 6 tháng trước, đồng thời khai thác và vận chuyển cây giống đến nơi trồng từ trước Tết Nguyên đán. Ngay sau Tết, bà Phương đã thuê thêm 5 lao động để trồng dứa cho kịp thời vụ.
Bà Phương cho biết, gia đình bà gắn bó với giống “dứa Queen” đến nay đã được hơn 20 năm. Giống dứa này không chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác của nông dân địa phương mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định.
Tại thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu, chị Lừ Thị Ánh cũng vừa trồng xong 1 vạn gốc dứa chính vụ. Được biết, diện tích trồng dứa này vừa được gia đình chị Ánh chuyển đổi từ mô hình canh tác sắn để nâng cao thu nhập.
“Giá sắn được tiểu thương thu mua rất thấp (khoảng 1.000 đồng/kg) nên tôi quyết định chuyển sang trồng dứa với hy vọng nâng cao thu nhập. Mặc dù chưa có kinh nghiệm với cây trồng này nhưng tôi sẽ cố gắng học hỏi các hộ dân có kinh nghiệm trồng dứa lâu năm”, chị Ánh cho biết.
Yên tâm mở rộng diện tích
Không chỉ những hộ có nhiều năm gắn bó với cây dứa để phát triển kinh tế, vài năm trở lại đây, tại xã Bản Lầu nói riêng và các xã vùng thấp của huyện Mường Khương như Bản Sen, Lùng Vai, Thanh Bình và Nậm Chảy, cây dứa cũng được nhiều hộ lựa chọn đưa vào canh tác, thay thế cho những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Hiện những nông dân tại các xã này cũng đang tích cực, chủ động nguồn cung giống, đẩy nhanh tiến độ trồng dứa chính vụ.
Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ trồng dứa chính vụ, ngành nông nghiệp huyện cũng tập trung hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác dứa rải vụ, trái vụ, canh tác theo hướng an toàn, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật… Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tìm kiếm thị trường ổn định để góp phần nâng cao giá trị ngành hàng chủ lực này.
Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Khương, toàn huyện hiện có khoảng 1.899 ha dứa, sản lượng năm 2025 ước đạt 50.400 tấn, với giá trị hơn 378 tỷ đồng. Huyện dự kiến mở rộng thêm 210 ha trong năm nay, nâng tổng diện tích dứa lên 2.000 ha, đưa cây dứa trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Được biết, hiện nay việc tiêu thụ dứa tại huyện Mường Khương rất thuận lợi. Nhiều thương lái, doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác tham gia thu mua, tạo đầu ra ổn định cho người trồng dứa.
Trên địa bàn xã Bản Lầu hiện có 13 tổ hợp tác sản xuất dứa, đóng vai trò liên kết với doanh nghiệp để thu mua sản phẩm, giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng. Hình thức thu mua cũng đa dạng, bà con chủ yếu bán "vo" cả nương dứa cho thương lái, người mua sẽ tự thuê nhân công thu hoạch và vận chuyển. Nhờ đó, nông dân không cần lo lắng khâu thu hoạch mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cao. Quả dứa tươi được các tư thương thu mua, một phần nhỏ sơ chế rồi bán cho các nhà máy trong và ngoài tỉnh. Ninh Bình đang là địa phương tiêu thụ dứa quả lớn nhất của huyện Mường Khương với khoảng 60% tiêu thụ tại kênh này.
Nổi bật, HTX Thịnh Phong (xã Bản Lầu) đang thu mua quả dứa cho bà con nhân dân trong toàn huyện Mường Khương và các địa phương khác của tỉnh Lào Cai theo hình thức mua vo cả đồi hoặc mua theo cân tại vườn.
Không những vậy, khi tham gia HTX, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc dứa; được thông tin về tình hình giá cả vật tư nông nghiệp, thị trường tiêu thụ; được bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định, giúp gia đình có thu nhập ổn định.
Nhờ vậy, HTX đang tạo việc làm ổn định cho 14 lao động địa phương với mức lương thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động địa phương khi bước vào mùa vụ thu hoạch, sơ chế dứa.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Thịnh Phong, hàng năm HTX xây dựng được kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dứa theo chuỗi và được nhiều người dân, người tiêu dùng tin tưởng đối với sản phẩm.
Ngoài thu mua sản phẩm dứa của các thành viên trong HTX, HTX Thịnh Phong ký hợp đồng liên kết sản xuất với 3 Tổ hợp tác với 50 thành viên và tiêu thụ sản phẩm cho hơn 120 hộ gia đình trồng dứa tại xã Bản Lầu, sản lượng từ 3.000 - 3.500 tấn/năm.
Giá cả theo thỏa thuận với người dân theo từng thời điểm, thanh toán tiền hàng tháng. Nhờ vậy, giúp người dân yên tâm chăm sóc các loại cây trồng hiệu quả.
Song song với việc thu mua, HTX Thịnh Phong phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Trường bồi dưỡng cán bộ (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức tập huấn, hướng dẫn các thành viên, người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch cây dứa...
Đồng thời, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả trên địa bàn Lào Cai. Ngoài ra, HTX Thịnh Phong còn cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho các thành viên HTX và những hộ dân có nhu cầu để bón cho cây dứa nâng cao thu nhập.
Rào cản vì giá giống cao
Huyện Mường Khương được coi là thủ phủ của cây dứa với diện tích chiếm 75,8% tổng diện tích dứa toàn tỉnh. Năm 2024, sản lượng quả dứa của địa phương đạt 41.160 tấn, chiếm 89,4% tổng sản lượng dứa toàn tỉnh. Đây cũng là địa phương duy nhất trong tỉnh có nhà máy chế biến dứa đóng hộp xuất khẩu sang thị trường Nga, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu với sản lượng tiêu thụ trên 6.000 tấn dứa quả tươi/năm. Nhờ cây trồng chủ lực này, nông dân huyện Mường Khương thu về 339 tỷ đồng trong năm vừa qua.
![]() |
Mường Khương là địa phương duy nhất trong tỉnh có nhà máy chế biến dứa đóng hộp xuất khẩu sang thị trường Nga, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu. |
Dứa đang là cây trồng hàng hóa chủ lực của huyện Mường Khương theo Nghị quyết 10 về phát triển nông nghiệp hàng hoá. Mường Khương đã có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật canh tác và ổn định đầu ra. Huyện Mường Khương đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng dứa, đồng thời tăng cường liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, việc quy hoạch vùng trồng dứa hợp lý, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại và tăng cường chế biến sau thu hoạch cũng là những yếu tố quan trọng để phát triển ngành dứa bền vững trong tương lai.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà bà con trồng dứa tại huyện Mường Khương hiện đang gặp phải là thiếu nguồn giống, giá cao. Giá cây dứa giống đã tăng lên mức 4 - 5 triệu đồng/vạn cây, trong khi trước đây chỉ khoảng 1 - 2 triệu đồng/vạn cây. Giá giống cao trở thành rào cản đối với những hộ nông dân muốn đầu tư mở rộng diện tích.
Theo tìm hiểu, một trong những lý do khiến giá giống dứa tăng mạnh trong vụ này là do những năm trước, giá sắn cao, nhiều hộ dân chuyển sang trồng sắn. Đến nay, khi giá sắn xuống thấp, người dân mới quay trở lại với cây dứa. Giống dứa được người dân địa phương sản xuất bằng cách tách chồi non phân nhánh từ cây dứa già đã thu hoạch khoảng 6 tháng. Việc chuyển đổi “bắt đầu lại” với cây dứa sẽ đòi hỏi người dân cần đầu tư mới cho việc mua giống từ những gia đình còn lưu giống.
Chị Hoàng Thị Hường cho biết, trước đây khi giá dứa thấp, nhiều hộ bỏ dứa để trồng cây khác, nay muốn quay lại trồng dứa thì gặp khó khăn về nguồn giống.
"Những vụ trước, giá dứa thấp nhưng gia đình vẫn quyết tâm, kiên trì với cây trồng này nên còn giống. Những nhà khác không duy trì việc trồng dứa nên thời điểm này, muốn quay lại trồng sẽ rất khó khăn, chi phí cho việc mua giống sẽ cao, rất khó tìm mua giống", chị Hường chia sẻ.
Giá dứa cao mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân huyện Mường Khương. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển lâu dài, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ bà con mở rộng diện tích, ổn định nguồn giống, tăng cường kết nối tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa, mất giá như trước đây đã từng gặp phải. Với sự quan tâm đúng mức, cây dứa hứa hẹn giúp cải thiện kinh tế cho nông dân và trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững cho địa phương.
Nhật Nam