Với 47 HTX tham gia sản xuất liên kết bao tiêu sản phẩm cây dược liệu trên toàn tỉnh, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đang góp phần giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập đặc biệt là ở khu vực miền núi của tỉnh.
“Giữ lửa” nghề gia truyền
Tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), ông Triệu Văn Lĩu – Trưởng bản Hạ Sơn là một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi trồng và giữ gìn vốn quý dược liệu núi rừng nơi đây. Ông Lĩu cho biết, khi còn trẻ khỏe ông thường vào rừng tìm kiếm các loại cây thuốc quý, mang về hong khô, bảo quản dùng dần cho người thân trong gia đình.
Các loại dược liệu phổ biến, như: lá giành giành, rúc rúc, cây trân châu; các loại cây thân dây, như tài lệch, xó nhà, xạ đen, trà hoa vàng, sâm nam, sâm xuyên đá... được ông Lĩnh dùng kết hợp, chữa các loại bệnh thông thường như khó tiêu, đau dạ dày, đau lưng, ngộ độc, cảm hàn, viêm khớp, thiếu máu; các bệnh về da, như: sởi, phỏng dạ, zona thần kinh, thủy đậu, chân tay miệng,…
![]() |
Bà con người Dao tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát thu gom và sơ chế cây dược liệu. |
“Người Dao ở đây có những bài thuốc quý lưu giữ hàng trăm năm để giúp người dân chữa bệnh, như chữa hậu sản cho phụ nữ, hỗ trợ chữa vô sinh, các bệnh về da, dạ dày, viêm khớp. Tiếng lành đồn xa, dần dần những người dân ở bản trên xóm dưới đã tìm đến Pù Nhi xin nhờ những bài thuốc hay. Bà con người Dao tại bản bắt đầu hình thành các tổ hợp tác, cùng tìm cách phát triển nghề trồng dược liệu, bốc thuốc, làm thuốc”… ông Lĩu cho hay.
Cũng là một người giàu lên nhờ trồng cây dược liệu, gia đình ông Hà Đắc Liên, xã Trí Nang (huyện Lang Chánh) đã mạnh đổi cây keo, cây mía trên diện tích đồi để cải tạo đất và trồng thử nghiệm gần 1 ha cây mạch môn, bách bộ.
Ông Liên cho biết, thời gian gần đây, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã cùng đại diện huyện hỗ trợ bà con thực hiện thu mua các loại cây dược liệu như ngải cứu, mạch môn, bách bộ, đinh lăng... để chế biến, chiết xuất thành các sản phẩm bảo vệ, hỗ trợ sức khỏe.
“Nhận thấy, giá trị kinh tế từ những loại cây dược liệu cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống của địa phương, đồng thời được sự hỗ trợ, liên hệ của HTX và các cấp chính quyền địa phương, từ năm 2021 gia đình tôi đã trồng thành công gần 1 ha cây mạch môn và bách bộ” – ông Liên nói.
Để nâng cao giá trị cho cây dược liệu tại các địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các khâu liên kết đầu tư, chế biến thành phẩm. Nhiều mô hình liên kết sản xuất cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần gìn giữ, quảng bá về nguồn giống dược liệu quý hiếm.
Bản làng no ấm
Mục tiêu phát triển cây dược liệu đang được chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ của gia đình thành ngành sản xuất hàng hóa, các cơ quan quản lý của các xã tiếp tục kết hợp cùng các HTX, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu, tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động trong lĩnh vực hóa dược để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm các điều kiện để cây dược liệu phát triển bền vững.
![]() |
Mô hình trồng cây dược liệu tại một Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. |
Ông Lĩu cho biết, tại bản Hạ Sơn hiện có 52 hộ dân thì hơn 10 hộ được cấp chứng chỉ hành nghề bốc thuốc nam. Gia đình nào có chứng chỉ thì theo nghề bốc thuốc trị bệnh; còn các gia đình khác vào rừng hái cây thuốc bán lại hoặc trồng thuốc, băm, thái và sơ chế thuốc… để có thu nhập.
“Hiện, chúng tôi không chỉ gìn giữ lấy nghề truyền thống cha ông người Dao để lại mà còn có thể phát triển kinh tế từ bán thuốc" – ông Lĩu chia sẻ.
Những cây dược liệu đã và đang thay đổi cuộc sống của người Dao ở bản Hạ Sơn. Theo thống kê, trung bình mỗi năm thu nhập bình quân đầu người tại bản Hạ Sơn đạt gần 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 2%.
Nhờ nghề trồng cây dược liệu, bốc thuốc nam phát triển, hiện nay chính quyền địa phương cũng đang nhân rộng mô hình kinh tế này, xem đây là hướng đi mới trong công tác xoá đói giảm nghèo cho bà con.
Được biết, ở Thanh Hóa, không chỉ người Dao đỏ sinh sống ở Mường Lát còn gìn giữ được nghề bốc thuốc nam truyền thống, mà người Dao quần chẹt sinh sống ở các vùng núi cao lân cận, như Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ, Bá Thước, Đông Sơn,... cũng quan tâm phát triển rất tốt nghề này.
Chị Nguyễn Thị Nước, một trong những hộ có diện tích trồng dược liệu lớn tại xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn) cho biết, ban đầu, gia đình đưa vào trồng thử nghiệm cây cà gai leo, nghệ. Sau khi thấy hiệu quả, chị đã mở rộng diện tích lên khoảng 8 ha để trồng cà gai leo, kim ngân, nghệ... Trong đó, có 5 ha đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 30 tấn dược liệu/năm, doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm. “Với diện tích trồng lớn, gia đình tôi đã hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, từ đó giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo quy trình trồng, sản xuất và việc làm cho bà con tại địa phương” – chị Nước chia sẻ.
Những năm gần đây, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn; Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn và HTX sản xuất nông nghiệp Vianaco đã liên kết, tiêu thụ hàng nghìn ha sản phẩm là cây dược liệu cho người dân trên địa bàn các huyện Đông Sơn, huyện Lang Chánh, huyện Mường Lát,...
Đẩy mạnh mô hình, phát triển đầu ra
Với tiềm năng lợi thế sẵn có, cùng với chính sách đầu tư, khuyến khích của nhà nước và sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua nhiều hộ gia đình, tổ hợp tác mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng từ bán cây dược liệu mỗi năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để thuận tiện cho việc thu gom, tạo đầu ra cho sản phẩm cũng như mở rộng diện tích trồng dược liệu, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ các địa phương thành lập các HTX chuyên sản xuất, thu mua và kinh doanh dược liệu. Qua đó, các HTX chủ động thực hiện tích tụ tập trung đất đai và vận động thành viên sản xuất các loại cây dược liệu quý hiếm.
Trên toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 47 HTX tham gia sản xuất và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu. Việc phát triển các HTX dược liệu giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, đặc biệt là ở khu vực miền núi của tỉnh.
Một số HTX trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện, cho hay hầu hết các loại cây dược liệu đều dễ trồng, ít sâu bệnh, không yêu cầu kỹ thuật cao, đầu tư vốn ít, giá trị thu nhập cao hơn so với các cây trồng truyền thống, đặc biệt phù hợp với điều kiện canh tác của người dân miền núi. Do vậy, việc phát triển các hợp tác xã dược liệu sẽ giúp người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, cũng như những đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Mường Lát, để góp phần bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc, các bài thuốc quý của dân tộc, ông Lĩu mong muốn có nhiều hơn những lớp học nhằm giới thiệu về cây thuốc; phát triển hơn nữa các HTX chuyên trồng, chế biến thuốc nam.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, cho biết, để có định hướng bảo tồn nghề thuốc gia truyền của đồng bào Dao, từng bước tạo được thương hiệu thuốc nam. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ khảo sát, thống kê lại những loài cây thuốc nam trong rừng.
Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong xã cùng bảo tồn và phát triển những cây thuốc quý đang dần bị mai một.
“Song song với việc chữa bệnh cứu người, nghề thuốc nam gia truyền cũng đang góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình người Dao. Tuy nhiên, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng và cộng đồng để phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, mang lại giá trị kinh tế cho người dân tại địa phương” – đại diện xã Pù Nhi nói.
Có thể nói, việc các HTX trên địa bàn hỗ trợ thu mua dược liệu đang góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát những năm gần đây giảm nhanh. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát còn khoảng 39%, giảm 16,8% so với năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm.
Hồng Hương