Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình OCOP tỉnh Hà Giang đến nay đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, đóng góp vào chương trình xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Giải pháp tiêu thụ sản phẩm
Mặc dù là tỉnh có vị trí địa lý khó khăn, thế nhưng thiên nhiên đã ưu đãi cho Hà Giang nhiều sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp… có giá trị cao. Nhờ có được những ưu đãi này mà chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang đang từng bước phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, đóng góp có hiệu quả vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo.
Quản Bạ là huyện triển khai mô hình thí điểm của Hà Giang trong chương trình OCOP năm 2019. Theo đó, có 16 sản phẩm được lựa chọn để hỗ trợ, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực còn yếu và thiếu như: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ đăng ký an toàn thực phẩm, chứng nhận y tế…
Kinh phí được hỗ trợ từ 100 - 550 triệu đồng/cơ sở, do đó đây là tin vui để các cơ sở, HTX và tổ hợp tác (THT) vững tin hơn trên hành trình đưa các sản phẩm lợi thế của địa phương giới thiệu đến người tiêu dùng cả nước.
Trọng tâm chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; trong đó, chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phân phối rộng rãi chính là ưu điểm nổi bật mà sản phẩm OCOP Hà Giang đang chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm OCOP của Hà Giang mang lại giá trị thiết thực cho nông sản của tỉnh (Ảnh: TL) |
Tại Hội chợ OCOP của Quản Bạ mới đây, nhiều sản phẩm của các HTX từ dược liệu, nông sản, du lịch… đều được huyện lựa chọn nằm trong chương trình OCOP.
Các sản phẩm của HTX Nặm Đăm như: Cao mạnh gân, trà gừng, thuốc tắm, tinh dầu, thuốc đau răng, xoa bóp… Nguyên liệu đều được trồng và khai thác tại rừng trong thôn, sản phẩm được chế biến đảm bảo về chất lượng. Ngoài ra, sản phẩm còn được bán tại các cửa hàng ở Hà Nội. Doanh thu từ các sản phẩm dược liệu đã tăng thêm thu nhập cho các thành viên trong HTX, giúp các thành viên xoá đói, giảm nghèo.
HTX dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc) có 2 sản phẩm mật ong bạc hà và rượu ngô men lá Chí Sán được lựa chọn vào danh sách các sản phẩm thực hiện theo chương trình OCOP…
Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho các sản phẩm quy mô cấp huyện, xã nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã bao bì, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và hướng đến xuất khẩu. Trong 6 nhóm sản phẩm OCOP, nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch được xem là quan trọng và là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm bản địa hiệu quả; tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phát huy lợi thế
Với những lợi thế sẵn có về phát triển du lịch cộng đồng, như có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn nằm trong Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn và được Tổng thư ký ASEAN, Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên chứng nhận danh hiệu “Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN”…, huyện Quản Bạ đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng Làng văn hoá du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) Nặm Đăm đạt chuẩn “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN”. Hiện đã có 35 hộ dân trong thôn đăng ký tham gia, xây dựng Nặm Đăm trở thành địa điểm, sản phẩm du lịch nổi tiếng.
Theo lãnh đạo huyện Quản Bạ, địa phương đang tích cực cùng Văn phòng Xây dựng Nông thôn mới Trung ương và tỉnh xây dựng Làng VHDLCĐ Nặm Đăm thành sản phẩm OCOP Quốc gia. Trong đó, có sự đầu tư các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương để hỗ trợ các hộ dân làm homestay, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Hiện nay, các homestay trong thôn đã và đang thu hút lượng khách đến ở và sử dụng các dịch vụ ngày càng tăng.
Ngoài các sản phẩm OCOP là nông sản, Hà Giang còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng (Ảnh: TL) |
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, hiện nay, hàng hóa giả, kém chất lượng trà trộn đang ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm của nhiều mặt hàng do đồng bào Hà Giang sản xuất. Chính vì vậy, chương trình OCOP sẽ tạo ra những bước đi vững chắc để hàng hóa của tỉnh gia tăng chất lượng và giá trị.
Theo thống kê, năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận hồ sơ và sản phẩm của 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó có 86 bộ hồ sơ của 6 ngành sản phẩm đủ điều kiện đề nghị phân hạng sản phẩm.
Qua đánh giá phân loại có 69 sản phẩm của 43 chủ thể được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019 với số điểm từ 50 điểm trở lên, bao gồm 21 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 48 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Tiêu biểu như sản phẩm bạch trà của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì); lạp sườn và thịt treo gác bếp lợn đen vùng cao của HTX Hải Khang (huyện Bắc Quang); rượu ngô Chí Sán của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (huyện Mèo Vạc); chè chất lượng cao Minh Quang của HTX Minh Quang (huyện Quang Bình); tinh bột nghệ vàng của HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Ngọc Sơn (huyện Bắc Mê)…
Đặc biệt, có 2 sản phẩm được Hội đồng chấm đạt từ 90 điểm trở lên là trà xanh và hồng trà của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì) được UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, đánh giá xếp hạng cấp quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình OCOP còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Người dân, cán bộ còn thiếu kinh nghiệm trong tổ chức triển khai; sản phẩm chưa qua chế biến, chất lượng còn thấp, chưa có tem, nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế…
Để tháo gỡ những khó khăn này, tỉnh Hà Giang mong muốn Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong quá trình triển khai chương trình OCOP để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh.
Phạm Minh