Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 8 năm nay, thị trường Mỹ có xu hướng tăng nhập khẩu tôm, sau khi giảm mạnh các tháng trước.
Thị trường Mỹ có xu hướng ngày càng tăng nhập khẩu tôm nước ấm, trong đó có tôm chân trắng từ các nước châu Á, giảm nhập khẩu tôm nước lạnh từ Mexico, Canada. Trong dòng tôm nước ấm, đối với sản phẩm tôm chân trắng nguyên liệu đông lạnh, Mỹ chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Ecuador; còn các sản phẩm tôm chân trắng chế biến, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia lần lượt là các nguồn cung chính cho Mỹ.
Ảnh Internet |
Trong tổng cơ cấu nhập khẩu của Mỹ, tôm chân trắng chiếm 69% tổng sản lượng nhập khẩu, tôm chì biển chiếm 7% và tôm sú 4%. Trong khi đó, trình độ nuôi tôm0 chân trắng của Việt Nam khá cao, sản lượng mỗi năm lên tới 350.000 tấn nên dư địa để xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam vào Mỹ còn rất lớn.
Từ năm 2013 - 2017, tỷ trọng tôm chân trắng xuất khẩu sang Mỹ luôn cao hơn tôm sú. Trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng luôn gấp gần 3 lần so với tôm sú. Đặc biệt, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu tôm chân trắng vào Mỹ cao kỷ lục với gần 776 triệu USD, chiếm gần 73% giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Năm 2014 cũng là năm xuất khẩu tôm vào Mỹ lập kỷ lục với giá trị đột biến khi đạt hơn 1 tỷ USD, vượt xa con số bình quân 700 triệu USD mỗi năm. Mỹ chiếm khoảng trên 18% thị phần tôm của Việt Nam và là khách hàng nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU.
Năm 2017, xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam sang Mỹ đạt 536 triệu USD, chiếm trên 81% tổng các sản phẩm xuất khẩu tôm sang Mỹ. 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam sang thị trường này vẫn duy trì tỷ trọng 81% trong tổng cơ cấu sản phẩm tôm với 540 triệu USD.
Công Trí