Nuôi tôm theo chuỗi là hướng đi bền vững |
Với 43ha nuôi tôm, HTX đã đạt chứng nhận VietGAP từ tháng 10/2017. Không dừng lại ở đó, HTX còn phát triển nuôi tôm ASC (Aquaculture Stewardship Council – Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản, là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản).
Đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt
Trong nuôi tôm, toàn bộ đáy ao được HTX sử dụng bạt ny lon che phủ giúp giảm thiểu tối đa sự tác động của những yếu tố ngoại cảnh. Hệ thống ao ươm riêng biệt cũng được HTX quan tâm, nhằm tăng cao tỷ lệ sống của tôm khi bắt đầu tiếp xúc với môi trường sống tự nhiên.
HTX cũng bảo đảm hệ thống ao 4 cấp, gồm ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng và cuối cùng là ao nuôi nhằm kiểm soát nguồn nước.
Việc nuôi thả tôm thẻ nước ngọt sẽ khiến môi trường ao nuôi dần bị phá hủy, bởi lượng thức ăn tồn đọng thúc đẩy sự phát triển của tảo ở đáy ao. Sau một thời gian, tảo nổi lên trên bề mặt ao, nhưng khi tảo chết chìm xuống đáy ao, gây tích tụ amoniac và chất thải ở đáy, ảnh hưởng xấu tới môi trường tôm nuôi. Vì vậy, sau vài năm thả tôm, HTX chuyển sang thả cá để cải thiện môi trường.
Ông Mai Văn Đấu, Giám đốc HTX, cho biết: HTX đã chú trọng vị trí lắp thiết bị quạt nước và chia nhỏ diện tích ao nuôi để máy quạt nước có thể tạo dòng nước cuộn chất cặn vào trung tâm của đáy ao. Nếu chất thải không được dồn vào trung tâm của đáy ao, diện tích đáy ao sạch sẽ bị thu hẹp, tôm không có đủ không gian để hoạt động và sinh sống sẽ tăng trưởng kém và dễ mắc bệnh.
Nhờ áp dụng kỹ thuật hiện đại, thủy sản của HTX không bị mắc bệnh, bảo đảm năng suất, chất lượng đến khi xuất bán và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hiện, tôm của HTX được một doanh nghiệp nước ngoài thu mua với giá cao hơn giá thị trường. Các thành viên tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên thu lời cao, có những ao cho tiền lời 100 triệu đồng với 1.000m2 mặt nước.
Điểm sáng trong sản xuất
Để thành công với quy trình nuôi tôm ASC, mô hình nuôi tôm theo chuẩn VietGAP chính là nền tảng vững chắc để HTX phát triển.
Đặc điểm nổi bật trong sản xuất là sự nhất trí tuân thủ lịch thời vụ của các thành viên. Mọi người đều hiểu rằng để nuôi tôm hiệu quả thì không được xả nước ra môi trường như trước. Khi phát hiện tôm có dấu hiệu dịch bệnh thì tiêu hủy ngay và xử lý gọn trong từng ao để hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm tổn thất về kinh tế.
Nhờ hệ thống ao nuôi khép kín, một năm, các thành viên cũng chỉ lấy nước vào vùng nuôi tôm một lần để sử dụng quanh năm, thỉnh thoảng lấy thêm nhưng chỉ những khi có nước tốt, bảo đảm chất lượng.
Mỗi thành viên đều phát triển diện tích ao nuôi từ 3ha trở lên. Tuy nuôi tôm trên diện tích lớn nhưng các thành viên rất tự tin vì thực hiện đúng quy trình nuôi trồng sạch, hiện đại.
Khi chăm sóc tôm, các thành viên và người lao động đều có bảo hộ lao động đầy đủ, chân đi ủng và tay mang găng để giảm dịch bệnh. Môi trường được giữ gìn nên hạn chế thiệt hại, vì thế đầu ra của con tôm ổn định với giá tăng.
Đặc biệt với sự liên kết của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất không chỉ giúp HTX ổn định đầu ra mà còn ổn định đầu vào. Doanh nghiệp có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đã tạo được chuyển biến tích cực trong sản xuất. Giờ đây, không chỉ ao nuôi đạt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường mà nhà ở, đường đi của các thành viên cũng được giữ gìn khang trang, sạch đẹp.
Hoạt động của HTX đã thành nền nếp và góp phần tích cực giải quyết ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Mô hình sản xuất thủy sản Toàn Thắng đã thành điểm sáng trên địa bàn huyện Vĩnh Châu nhờ mạnh dạn đổi mới và thực hiện thành công theo Luật HTX 2012.
Huyền Trang