Nhằm phát huy tối đa lợi thế về tự nhiên, năm 2019, HTX bắt đầu thử nghiệm sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 10 ha. Đến nay, mô hình sản xuất rau công nghệ cao có mái che, kết hợp hệ thống tưới tiêu tự động, sử dụng giống sạch bệnh, phân bón hữu cơ vi sinh bước đầu đã cho những tín hiệu khả thi.
Bảo đảm an toàn lao động
Khi triển khai mô hình, các thành viên HTX được hướng dẫn, tư vấn để thực hiện canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ dân trong vùng quy hoạch trồng rau của địa phương cũng được tham gia mô hình.
Một thành viên của HTX chia sẻ, để sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ), người trồng rau cần phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như nguồn đất, nước phải sạch, quy trình trồng rau phải đúng tiêu chuẩn, chỉ được dùng phân chuồng đã được ủ hoai mục, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...
Mô hình trồng ớt áp dụng công nghệ cao của HTX |
Người lao động được tập huấn về kỹ thuật canh tác an toàn, sử dụng phân bón và chế phẩm vi sinh thay thế thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, không chỉ tạo sự an toàn cho sản phẩm, cho người tiêu dùng mà còn an toàn cho sức khỏe của chính mình.
Trước đây, trồng rau theo kiểu truyền thống khiến cả người sản xuất và người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi muốn rau đẹp và lãi nhiều thì phải xịt nhiều thuốc trừ sâu. Các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại như thuốc trị quăn lá, cứng lá, vàng úa, sâu vẽ bùa… đều được người trồng sử dụng không giới hạn.
Từ khi trồng rau theo VietGAP, các thành viên phải sử dụng bảo hộ lao động, ghi chép nhật ký đồng ruộng rõ ràng, dùng các loại thuốc sinh học cũng phải bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch... Những biện pháp đó không những bảo vệ được môi trường, sức khỏe người tiêu dùng mà trước tiên là bảo đảm ATLĐ cho người sản xuất.
Nhờ cách sản xuất này, 10 ha rau của HTX Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Sơn Hải đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp chứng nhận VietGAP. Đồng thời, Chi cục cũng hoàn thiện các thủ tục cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cho rau của HTX và tổ chức giới thiệu, mời gọi các đơn vị liên kết trong việc cung ứng sản phẩm rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng.
Trăn trở vùng sản xuất lớn
Mô hình trồng rau an toàn áp dụng công nghệ cao đã đưa giá trị cây trồng tại HTX tăng từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, HTX cũng gặp phải không ít khó khăn, như thiếu vốn để đầu tư cơ sở vật chất, trang bị hệ thống nhà kính hiện đại, chưa thu hút được nhiều hộ nông dân trong chuyên canh sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn để tạo vùng hàng hóa tập trung.
Giá trị cây trồng tại HTX tăng từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng/ha/vụ |
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết: "Hiện nay, một số hộ dân chưa liên kết với HTX dẫn tới vùng sản xuất chưa lớn để có thể đáp ứng được sản lượng cho các đầu mối tiêu thụ. HTX rất mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tạo điều kiện để HTX phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm nâng cao sản lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho người dân".
Vụ xuân năm nay, xã Sơn Hải trồng trên 40 ha rau các loại, tập trung tại các thôn Cố Hải, Đồng Tâm, An Tiến và Nam Hải. Để đạt mục tiêu mở rộng 50% diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, xã Sơn Hải cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tiếp tục quan tâm, có các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, xúc tiến thị trường, nhằm tăng năng suất để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và người dân.
Hoàng Lê