HTX Mỹ Hương thành lập năm 2017, gồm 231 thành viên, diện tích canh tác trên 725ha, trong đó có 540ha nằm trong vùng quy hoạch cánh đồng mẫu lớn của xã Mỹ Hương.
Từ khi vào HTX và được sự hỗ trợ của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), các thành viên đã thay đổi hẳn phương thức canh tác, từ bỏ tập quán sản xuất truyền thống, nhất là việc sạ lan với mật độ gieo sạ rất dày (khoảng 200kg lúa giống/ha).
Sản xuất thân thiện môi trường
Các thành viên HTX đều được tham gia các lớp tập huấn quy trình canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Trong đó, “3 giảm, 3 tăng” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế.
Quy trình “1 phải, 5 giảm” là phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng; giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch.
Theo Ban giám đốc HTX, đây là những kỹ thuật tiên tiến của ngành nông nghiệp, giúp thành viên giảm chi phí đầu tư, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế.
Ngoài các quy trình sản xuất này, các thành viên còn được đào tạo thực tế trên đồng ruộng với thời gian 7 ngày, nên đã nhanh chóng trở thành những người nông dân thực thụ, làm việc chuyên nghiệp, đúng quy trình.
Từ việc sản xuất 3 vụ lúa/năm, HTX đã chuyển sang 2 vụ/năm. Nhờ đó, đất không bị khai thác quá mức dẫn đến thoái hóa, cạn kiệt dinh dưỡng.
Nếu như khi mới thành lập vào năm 2017, HTX chỉ sử dụng 15% giống xác nhận thì hiện tại đã đạt 95%. Đồng thời, diện tích lúa thơm hiện chiếm 81%, lúa đặc sản 11%, chỉ còn 8% sản xuất lúa thường. Theo Ban giám đốc HTX, tập trung sản xuất lúa thơm và lúa đặc sản là lợi thế, vì đây là những giống lúa có giá trị kinh tế, được thị trường ưa chuộng.
Sạ thưa theo hàng giúp giảm lượng giống, tạo điều kiện cho cấy lúa phát triển bền vững. |
Áp dụng kỹ thuật sạ thưa và sạ theo hàng giúp thành viên giảm 80 - 100kg giống/ha. Đây là điều kiện giúp cây lúa có đủ không gian để hấp thụ ánh sáng và dinh dưỡng. Ruộng lúa vì vậy ít gặp dịch hại, năng suất lúa tăng 5 - 10% so với sản xuất truyền thống.
Theo các thành viên, quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” rất cần thiết để sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường vì có những đặc tính ưu việt như: không sử dụng hóa chất diệt cỏ, không phun thuốc trừ sâu và không sử dụng phân bón hóa học.
Bước tiến vững chắc
Nhờ đồng lòng áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trên cánh đồng lớn, trên 80% diện tích của HTX đạt yêu cầu mà Ban quản lý Dự án VnSAT đặt ra. Đây là điều thuận thuận lợi để HTX Mỹ Hương tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong xây dựng nhà kho.
Hiện, nhà kho của HTX vừa có chỗ chứa phân bón, lúa giống, vừa có nơi trữ thóc sau thu hoạch và các trang thiết bị phục vụ sản xuất, đặc biệt là có khu vực trưng bày sản phẩm.
Đây cũng là nơi HTX trao đổi hàng hóa, kinh doanh một số dịch vụ nông nghiệp như phân bón, thuốc, lúa giống... Giá bán của các mặt hàng này thấp hơn giá đại lý bên ngoài 5.000 - 10.000 đồng/sản phẩm. Những thành viên khó khăn về vốn đều được HTX hỗ trợ dịch vụ vật tư theo hình thức trả chậm. Người dân khi có nhu cầu đến mua phân, thuốc bảo vệ thực vật, giá bán cũng được ưu đãi như thành viên.
Khu vực bán thuốc bảo vệ thực vật của HTX là nơi cung cấp những sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT. |
Từ ngày có nhà kho và kinh doanh các sản phẩm phân, thuốc dùng cho cây lúa, người dân đã trở thành khách hàng thân thiết của HTX. Không chỉ có giá bán thấp hơn so với bên ngoài, cán bộ kỹ thuật của HTX còn tận tình hướng dẫn bà con nông dân cách sử dụng các loại vật tư sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Điều đó cho thấy, việc đầu tư nhà kho mang lại lợi ích lớn cho toàn thể thành viên HTX và nông dân trên địa bàn xã.
Ngoài phát triển các dịch vụ, HTX còn làm tốt khâu liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu lúa trên diện tích 626ha. Trên cánh đồng mẫu lớn, toàn bộ diện tích đều áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Khi sử dụng dịch vụ do HTX cung cấp, như: bơm nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, người dân bên ngoài và thành viên có thể giảm 5 - 10% chi phí.
Để tiếp tục nâng cao thu nhập cũng như hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trong thời gian tới, HTX từng bước mở rộng các dịch vụ đi liền với mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn. Việc liên kết doanh nghiệp phát triển trồng nấm rơm đang chuẩn bị đi vào thực hiện cũng là bước tiến giúp giải quyết lượng rơm rạ thừa sau thu hoạch và gia tăng lợi ích kinh tế.
Huyền Trang