Được mệnh danh là thủ phủ của trái thanh long với diện tích 27 ngàn ha, mỗi năm, tỉnh Bình Thuận cung cấp ra thị trường khoảng 600 ngàn tấn thanh long, chiếm 70% sản lượng thanh long cả nước.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của việc trồng thanh long ở Bình Thuận đẩy cung vượt quá cầu. Việc giải bài toán đầu ra cho trái thanh long không nằm trong diện xuất khẩu không chỉ là việc của Nhà nước, doanh nghiệp mà còn của người nông dân.
Giai đoạn thử nghiệm
“Hầu hết nông dân Bình Thuận cung cấp cho thị trường chủ yếu là trái thanh long tươi, chưa có sản phẩm chế biến nổi bật. Điệp khúc được mùa mất giá khiến người nông dân lao đao. Nhìn hàng tấn thanh long phải đổ bỏ, không riêng người trồng thanh long như tôi mà biết bao nông dân khác rớt nước mắt”, chị Lê Nguyện chia sẻ.
Giá thanh long ở Bình Thuận nhiều lúc lâm vào cảnh rẻ đến nỗi không ai mua. Nhiều hộ trồng thanh long có quả thối phải đổ bỏ lên đến cả trăm tấn vẫn phải thuê người dọn dẹp, khiến người nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo.
Trong khi sản phẩm làm từ trái thanh long rất hữu ích cho sức khỏe, thời gian trữ được lâu như sản phẩm của HTX lại giải được bài toán đầu ra cho trái thanh long. Đó là lý do thúc đẩy chị Nguyện cho ra đời sản phẩm “Rượu vang thanh long” của HTX Thanh long Hàm Đức.
Mô hình của HTX không chỉ tiếp thêm động lực cho người dân, mà còn để cây thanh long không bị thay thế bởi loại cây khác.
Ngay khi thành lập, 17 thành viên của HTX đã cùng nhau gây dựng, góp vốn kinh doanh để tạo ra hai loại rượu vang thanh long đỏ và trắng.
Giai đoạn đầu thử nghiệm sản phẩm, HTX gặp vô vàn khó khăn, như lời chị Nguyện chia sẻ: “Đau thương, quằn quại và chông gai lắm”. Rượu mới làm ra đục, cặn, chua, thậm chí khi đóng vào chai bị nổ vì tiếp tục lên men.
Sau thời gian dài mày mò nghiên cứu, đương đầu với thất bại, HTX đã cho ra sản phẩm rượu vang thanh long sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống đạt chất lượng, bảo đảm không phụ gia, không hương liệu, không chất bảo quản.
Sản phẩm hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị, trong sân bay với doanh thu ngày một khả quan (năm 2016 là 1,2 tỷ đồng, năm 2017 là 1,3 tỷ đồng và đến tháng 8/2018 đạt 1,5 tỷ đồng). Cũng từ khi HTX Thanh long Hàm Đức ra đời, các nhà trồng thanh long quanh khu vực không còn phải đổ bỏ khi bị rớt giá.
HTX đã tạo việc làm cho khoảng 30 lao động toàn thời gian có thu nhập 4,5 - 7,5 triệu đồng/tháng. Người lao động tại HTX được lo cơm trưa và có đến 68% là lao động nữ.
![]() |
Giám đốc Lê Nguyện giới thiệu sản phẩm rượu vang thanh long của HTX |
Vươn tới thị trường lớn
Theo các thành viên HTX, rượu vang từ trái thanh long có tác dụng giúp ngủ ngon, làm đẹp da, tiêu hóa tốt, hạn chế lượng mỡ thừa trong cơ thể, giúp ổn định huyết áp và tim mạch.
Vì thế, đối tượng khách hàng hướng tới của HTX là những phụ nữ trên 30 tuổi có thu nhập tầm trung trở lên và nam giới độ tuổi trung niên quan tâm đến thực phẩm an toàn cho sức khỏe.
Năm 2018, đề án “Sản xuất rượu vang từ trái thanh long” của nữ Giám đốc HTX Thanh long Hàm Đức - Lê Nguyện đã xuất sắc vượt qua 137 đề án đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước thuộc các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp xây dựng, du lịch, giáo dục đào tạo để lọt vào Top 20 đề án xuất sắc nhất của phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc.
Đặc biệt, đề án này còn là 1 trong 5 đề án được cấp vốn 100 triệu đồng (15 đề án còn lại được cấp vốn 50 triệu đồng) để hỗ trợ chị em biến ý tưởng thành hiện thực.
Để nâng cao giá trị trái thanh long, đưa đặc sản quê nhà vươn ra thế giới, các thành viên HTX luôn mong muốn được kết nối với các nhà đầu tư. HTX sẵn sàng chia sẻ quy trình, công nghệ, giải đáp mọi thắc mắc về tính hiệu quả của dự án.
Mục tiêu sản xuất của HTX trong thời gian tới là mở rộng xây dựng nhà xưởng để đạt chứng nhận HACCP (những nguyên tắc được dùng trong việc tạo dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm) giúp đưa sản phẩm vươn tới những thị trường lớn hơn.
HTX cũng đang hoàn thiện quy trình để cho ra mắt sản phẩm thanh long sấy, nước ép thanh long phục vụ nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng.
Hoàng Lê