Với diện tích gần 30.000ha, sản lượng xấp xỉ 600.000 tấn/năm, tỉnh Bình Thuận được xem là “thủ phủ thanh long” của cả nước. Thời gian qua, sau những biến cố vì loại trái cây này liên tục mất giá, bán không ai mua, người trồng thanh long theo phương thức truyền thống ở tỉnh Bình Thuận bắt đầu quan tâm hơn đến việc phải thay đổi tập quán sản xuất theo hướng tốt và an toàn hơn để có thể trụ vững trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường.
Ảnh Internet |
Hiện, một số trang trại thanh long ở tỉnh Bình Thuận đang thực hiện sản xuất theo quy trình GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) để có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Điển hình như trang trại thanh long của Công ty Rau quả Bình Thuận (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam); HTX Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm)...
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, đến nay, diện tích sản xuất thanh long VietGAP và GlobalGAP toàn tỉnh đã đạt trên 10.000ha (tăng hơn 200ha so với năm 2017, chiếm hơn 30% diện tích thanh long cả tỉnh). Toàn tỉnh đang có gần 10.000 hộ nông dân tham gia và hình thành được gần 400 tổ hợp tác, nhóm liên kết và trang trại sản xuất theo mô hình VietGAP.
Theo ông Phạm Hữu Thủ, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, việc sản xuất thanh long theo hướng GAP đang tạo ra môi trường thuận lợi để đáp ứng nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn; đồng thời đáp ứng việc nâng cao giá trị sản phẩm thanh long Bình Thuận, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Mặt khác, sản xuất theo hướng GAP góp phần cải thiện môi trường, giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, góp phần giữ uy tín và chất lượng cho sản phẩm thanh long Bình Thuận.
Công Trí