Chiều ngày 16/12, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tổ chức Tọa đàm gọi vốn cộng đồng tại Việt Nam và thực tiễn của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thất thu thuế, mất việc làm
Với vai trò diễn giả, bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley (VSV), Chủ nhiệm đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon của Bộ KH&CN đã có những chia sẻ với cộng đồng startup. Trong năm COVID-19, VSV đã nhận được 500 hồ sơ, sau đó đã chọn ra 20 hồ sơ để đầu tư.
Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley. |
"Tôi không ngại đi đầu tư, bởi tôi biết rằng những ai không đầu tư vào startup thì thiệt hơn, ngay cả Chính phủ. Tại sao chúng ta để mất khoản thuế sang Singapore, bởi quỹ đầu tư mạo hiểm chủ yếu nằm ở quốc gia này và chúng ta không có hành lang pháp lý cho startup gọi vốn", bà chia sẻ.
Nhà sáng lập VSV nhìn nhận, startup giống như dòng nước, chỗ nào vướng sẽ tìm chỗ khác, không thoái vốn trong nước họ sẽ tìm ra nước ngoài. Chưa kể, đầu tư vào startup là một nơi cực kỳ béo bở, thú vị khi được tiếp xúc với những ý tưởng kinh doanh độc đáo, những cơ hội chưa từng có.
Đơn cử, VSV đến nay có thương vụ rất thành công khi bỏ ra đầu tư 10.000 USD để lấy về 10% cổ phần của startup. Đến nay, startup đó đã được định giá hơn 130 triệu USD, dù thời điểm nhận đầu tư chỉ được định giá 100.000 USD. "Chúng tôi vẫn còn 10% cổ phần ở đó. Đây là thị trường sẽ còn phát triển nhanh, chứ không dừng lại", bà Thạch Lê Anh chia sẻ.
Vì vậy, một lần nữa, Nhà sáng lập VSV cho rằng việc startup Việt Nam sang Singapore lập công ty để nhận vốn là thiệt thòi cho Việt Nam khi chúng ta không thu được thuế, công ty dịch chuyển khỏi Việt Nam thì chúng ta sẽ mất việc làm trong nước.
"Nếu chúng ta có chính sách giữ chân nhà đầu tư và startup thông qua việc hoàn thiện hành lang phát lý, thì chúng ta sẽ thu được thuế, thậm chí nếu startup có không thành công thì Chính phủ cũng không mất gì, startup cũng không đem tiền về nhà mà họ mang tiền trả nhân công, thuê văn phòng. Tiền vận hành trong đất nước của mình", bà Thạch Lê Anh nhấn mạnh.
Từ khó khăn thực tế gặp phải, đại diện một startup liên quan tới phát triển nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, do ở Việt Nam việc gọi vốn cộng đồng chưa có chính sách quản lý nên gây ra nhiều hệ luỵ, rủi ro và khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Mở cơ chế để xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm
Trong khi đó, chia sẻ với VnBusiness, Founder thương hiệu đồng hồ "made by Vietnam" Curnon - ông Nguyễn Quang Thái, cho hay dịch COVID-19 đã khiến quá trình gọi vốn của doanh nghiệp bị gián đoạn. Thời điểm năm 2019, doanh nghiệp cũng nói chuyện với nhiều quỹ đầu tư song do năm 2020, ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên các nhà đầu tư hủy các kế hoạch. Bước sang năm 2021, startup này mới tiếp tục trình bày lại kế hoạch kinh doanh với các quỹ đầu tư.
Cần có hành lang pháp lý để startup nhận vốn trong nước. |
Tuy nhiên, ông Thái cũng cho biết, startup Việt cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình gọi vốn ở nước ngoài. "Tôi đã sang Singapore khoảng 2 lần, có đăng ký một công ty bên đó để sẵn sàng gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam cũng có quỹ đầu tư nhưng cách định giá khác so với nước ngoài, do vậy chúng tôi thường hướng tới các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài hơn", ông nói.
Đại diện Curnon cho biết, rất cần Việt Nam xây dựng hệ sinh thái tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, bên cạnh triết lý đứng trên "hai chân" mà startup đã xác định.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Đáng chú ý, về phân bổ nguồn lực, Nghị quyết yêu cầu sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng để đầu tư đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy vậy, chia sẻ với VnBusiness, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng điều quan trọng hơn cả là Việt Nam cần mở thể chế để xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân, bởi đầu tư mạo hiểm 10 đồng thì có thể mất 9 đồng, thậm chí mất cả. Do vậy, Nhà nước rất khó để làm, người ra quyết định đầu tư cũng lo sợ rủi ro pháp lý.
"Việt Nam cần phát triển và nâng cao hoạt động hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Theo đó, Việt Nam cần khuyến khích bỏ vốn thiên thần và đầu tư mạo hiểm", ông Cung nói.
Chuyên gia Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh rằng, mọi tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đều có quyền hỗ trợ vốn thiên thần cho những người khởi nghiệp tiềm năng, có quyền cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo một cách không hạn chế, không yêu cầu thực hiện bất kỳ một thủ tục hành chính nào.
Nhật Linh