Theo báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 về tính năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 ASEAN về tính năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp (Ảnh: TL) |
Năm 2021, các quỹ đầu tư đã sàng lọc được thêm nhiều startup có năng lực để đặt niềm tin. Các thương vụ lớn xuất hiện không chỉ khuấy động hệ sinh thái trở nên sôi động hơn. Điển hình như VNLife - công ty sở hữu “kỳ lân” VNPAY hoàn tất gọi vốn 250 triệu USD; Tiki huy động được 258 triệu USD; và gần đây nhất, MoMo thành “kỳ lân” sau khi Mizuho dẫn đầu vòng gọi vốn 200 triệu USD…
“Nguồn vốn không ngừng đổ vào hệ sinh thái đã khích lệ tinh thần startup”, ông Nguyễn Minh Phúc - Quản lý cấp cao CTCP Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA) nhận định.
Trong năm 2021, đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD. Công nghệ tài chính (FinTech), game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử là các lĩnh vực nổi bật.
Trước đó, năm 2018 được coi là năm bản lề của hệ sinh thái khởi nghiệp, khi nhiều nhà đầu tư đã quan tâm và giá trị đầu tư đã lên tới gần 450 triệu USD, với khoảng 60 thương vụ. Đến năm 2019, tổng giá trị đầu tư tăng gần gấp đôi lên xấp xỉ 900 triệu USD, cùng những tín hiệu lạc quan, như hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước lần đầu tham gia thị trường. Vào năm 2020, do là thị trường mới nổi, nên khi có đại dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư không thể đến trực tiếp, khiến số tiền đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam giảm gần một nửa so với năm trước.
Phương Lan