Với 41 thành viên cùng nhau góp số vốn điều lệ 2 tỷ đồng, HTX nuôi trồng thủy sản trên diện tích 176 ha, trong đó hộ lớn nhất có diện tích 20 ha.
Trước đây, mỗi hộ lấy giống một nơi nên khó kiểm soát nguồn gốc dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc bơm, tháo nước phục vụ hoạt động nuôi trồng cũng thực hiện một cách tự do, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ xung quanh.
Làm tốt khâu dịch vụ
Nhận thấy những bất cập ấy, ngay sau khi thành lập, HTX đã tiến hành lựa chọn, bầu những thành viên có kinh nghiệm lâu năm vào các tổ bảo nông, tổ sản xuất giống, tổ tiêu thụ sản phẩm để thực hiện tốt các khâu dịch vụ, hỗ trợ các hộ dân bắt đầu tham gia khởi nghiệp.
HTX cũng đầu tư 670 triệu đồng xây dựng văn phòng làm việc và phân trại sản xuất tôm giống tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) để bảo đảm cung ứng nguồn giống với số lượng và chất lượng ổn định cho các hộ thành viên.
Tham gia HTX, các hộ thành viên được hỗ trợ trong các khâu cung cấp giống, điều hành nước. Đặc biệt, những hộ mới khởi nghiệp còn thiếu vốn sẽ được mua giống, thức ăn theo hình thức trả chậm. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, nhận thức của các hộ cũng được nâng lên trong vấn đề thống nhất phương án, thời vụ cũng như kỹ thuật sản xuất.
Vụ xuân hè 2018, các hộ thành viên trong HTX đã thả 17 triệu tôm sú, 5 triệu tôm thẻ chân trắng, 50.000 cua càng xanh, 10.000 cá đối nục. Toàn bộ diện tích nuôi trồng được thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi thu hoạch, sản lượng nuôi trồng thủy sản của HTX đạt 200 tấn, doanh thu 17 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 3 tỷ đồng.
Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, HTX tiến hành ký hợp đồng với các công ty sản xuất giống, đơn vị cung cấp thức ăn và các chế phẩm sinh học, liên hệ với các đơn vị tiêu thụ ngay từ khi nuôi trồng. Ngoài ra, dịch vụ cải tạo vệ sinh đồng cũng được HTX thực hiện thường xuyên để điều hòa nguồn nước.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - thôn Đại Đồng, cho biết: Gia đình ông có 2 ha nuôi trồng thủy sản. Vụ xuân hè này, sản lượng thu về của gia đình tăng 40% so với năm trước do HTX thực hiện hiệu quả các khâu dịch vụ.
Vùng nuôi tôm của HTX |
Khắc phục khó khăn
Sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại hệ thống các nhà hàng ở Tp.Thanh Hóa, Tp.Sầm Sơn. Năm 2019, HTX đầu tư thêm hệ thống các cửa hàng phân phối tại các huyện: Như Thanh, Thọ Xuân, Yên Định và hướng đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng chuỗi giá trị mở rộng.
Ông Phạm Bá Thảo - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết: Đối với hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, dịch vụ bảo nông, điều hành “con nước” và giống có vai trò hết sức quan trọng.
Do có sự đồng thuận của các thành viên nên HTX đã thống nhất được cách chỉ đạo, ký kết với các đơn vị cung ứng giống chuẩn, quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường, bước đầu thực hiện tốt các khâu dịch vụ.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của HTX là việc xây dựng trụ sở làm việc và gian hàng giới thiệu sản phẩm, nơi tập trung sản phẩm tại vùng sản xuất. Ngay sau khi thành lập, HTX đã đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu vực trụ sở làm việc, gian hàng giới thiệu sản phẩm với vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng đến nay, HTX vẫn chưa được xem xét, giải quyết vị trí để đầu tư dự án.
Do chưa có vị trí tập kết, trưng bày sản phẩm sống nên khi vào vụ thu hoạch, khâu bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định cho các hộ thành viên chưa hiệu quả như mong muốn do các thương lái vẫn thực hiện thỏa thuận riêng với từng hộ. Nhiều thời điểm, tình trạng ép giá vẫn diễn ra khiến hiệu quả kinh tế nuôi trồng chưa đáp ứng như kỳ vọng.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, mô hình HTX nuôi trồng thủy sản chính là một hướng đi mới, định hướng người dân phát triển nghề theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho HTX trong khâu bao tiêu sản phẩm, khắc phục khó khăn, các cấp chính quyền cần sớm nghiên cứu, hướng dẫn HTX thực hiện các thủ tục theo quy định để sớm triển khai dự án, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ thành viên.
Hà Xuyên