Cái duyên tình cờ đến với nghề trồng nấm của anh bắt nguồn từ một chuyến thăm nhà bạn ở Đồng Nai. Thấy người dân nơi đây phát triển nghề trồng nấm có hiệu quả, trong người anh trỗi dậy sự đam mê với loại cây này.
Doanh thu hàng tỷ đồng
Trở về quê hương năm 2009, anh Trúc phát triển nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu với mong muốn mang lại một nghề mới cho người dân quê mình. Anh Trúc cho biết trồng nấm vừa tạo việc cho người dân vừa tận dụng được lượng rơm rạ, mùn cưa tại địa phương, góp phần bảo vệ môi trường.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, anh Trúc gặp nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu nhân lực có kỹ thuật tới đầu ra sản phẩm cũng không ổn định. Đặc biệt, meo giống phải đi mua lại từ đơn vị khác nhiều khi không bảo đảm, tỷ lệ lên giống thành công không cao. Không nản chí, Anh Trúc bắt đầu phân tích, tìm nguyên nhân thất bại để tiếp tục theo đuổi giấc mơ phát triển nghề nấm.
Năm 2016, anh Trúc bắt đầu vận động thành lập HTX Trúc Phượng và tiến hành xây dựng nhà trồng nấm, đầu tư máy móc từ số vốn tích lũy khoảng 500 triệu đồng. Năm đầu, sản lượng nấm đạt gần 20 tấn với các loại nấm ăn, nấm Bào ngư, nấm Linh chi, tổng doanh thu khoảng 800 triệu đồng.
Một năm sau, HTX đầu tư thêm 1,7 tỷ đồng mua trang thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng diện tích trồng nấm lên 3.000m2. Số vốn đầu tư thêm này được đầu tư vào dây chuyền đóng bịch tự động công suất 2.000 bịch/giờ; dây chuyền khử trùng, đóng gói; nhà cấy giống, nhà ươm, nhà nuôi trồng nấm theo quy trình VietGAP, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ Nhật Bản trong nuôi trồng nấm.
Nhờ được đầu tư, mở rộng về quy mô nên trang trại trồng nấm của HTX Trúc Phượng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và các thành viên. Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của HTX sản xuất từ 60 tấn trở lên, cho doanh thu hàng tỷ đồng.
Hiện tại, mô hình trồng nấm của HTX Trúc Phượng đã xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm hàng hóa có cửa hàng tại thị trấn Bến Sung (huyện Như Thanh) với nhãn hiệu Benen coop. Ngoài ra, HTX Trúc Phượng cũng đã ký hợp đồng với các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Thanh Hóa, như: HC Fram, H mart, coopmart… và còn có văn phòng đại diện cung cấp sỉ và lẻ cho khu vực phía Bắc tại Hà Nội.
HTX đã mang lại một nghề mới cho người dân địa phương |
Cần nguồn vốn đầu tư lớn
Theo Giám đốc Lê Đình Trúc, dự kiến năm 2019 - 2020, HTX sẽ đầu tư, mở rộng thêm khoảng 3.000 m2 diện tích trồng nấm và sau khi hoàn thiện, đưa vào nuôi trồng dự tính năng suất sẽ đạt 70 - 80 tấn/năm.
Từ việc tự mày mò, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm về kỹ thuật trồng nấm, đến thời điểm hiện tại, anh Trúc đã làm chủ được các khâu nuôi cấy, trồng và chăm sóc nấm. Thời gian tới, anh dự định hướng HTX đi vào nuôi trồng các loại nấm với chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất cần nguồn vốn đầu tư lớn. Bản thân Giám đốc Lê Đình Trúc cũng như HTX đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để phát triển sản xuất nghề trồng nấm. Trong khi đó, theo anh Trúc, việc tiếp cận nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn. Anh mong muốn trong thời gian tới, các cấp, ngành có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cụ thể là giúp anh có thể tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất.
“Mô hình HTX nấm của chúng tôi cho thu nhập cao nhưng lợi nhuận thu lại cũng chưa được bao nhiêu vì đầu tư của mình còn lớn. HTX mong muốn được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay. Làm nông nghiệp không những khó khăn về vốn mà còn khó khăn cả về tài sản thế chấp. Chỉ có công việc thực tế của mình ngoài đồng, ngoài ruộng, tiền đầu tư của mình cả tỷ đồng rồi, nhưng việc vay vốn rất khó khăn”, anh Trúc chia sẻ.
Ngoài HTX trồng nấm, gia đình anh còn đầu tư máy móc làm dịch vụ nông nghiệp tại địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, hàng năm anh Trúc còn tham gia và hỗ trợ một phần kinh phí cho nhiều hoạt động văn hóa, đoàn thể tại địa phương.
Hoàng Lê