Để tổ chức liên kết sản xuất theo hợp đồng với số lượng hàng hóa lớn, có sự tham gia của nhiều hộ, góp phần giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Ngày 22/6/2017, Công ty TNHH một thành viên Tiến Thành, chuyên về hoạt động dịch vụ, tiêu thụ nông sản, gia súc, trâu bò đã chuyển đổi thành HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành.
Liên kết, ứng dụng công nghệ cao
Ngay sau khi thành lập, mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm được HTX triển khai thực hiện dưới sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang. Sau chuyển đổi và đi vào hoạt động, mỗi năm bình quân HTX Tiến Thành cung ứng và bao tiêu hàng nghìn con trâu, bò cho các xã thuộc huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên, Lâm Bình... nuôi vỗ béo theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Tiến Thành cho biết, kể từ khi thành lập, HTX đã liên kết với 20 HTX và 11 tổ hợp tác để chăn nuôi và nhiều doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thịt trâu, bò trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với phần lớn thành viên là người dân tộc thiểu số : Mông, Tày, Dao, Nùng, Sán Dìu, Pà Thẻn...
Khu chăn nuôi trâu, bò của HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành. |
Chỉ tính trong 3 năm từ 2017 đến 2019, mỗi năm HTX cung ứng và tiêu thụ gần 100.000 con trâu, bò. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá trong xã.
Để có trâu, bò chất lượng, ông Oanh lặn lội sang tận Campuchia, Thái Lan để tìm mua được trâu, bò tốt nhất nhập về Việt Nam bán cho các HTX liên kết chăn nuôi, vỗ béo. Sau một thời gian trâu bò đảm bảo lượng thịt, HTX đã thu mua lại với giá bán ban đầu.
Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Thành Công, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "HTX Tiến Thành cung ứng giống và bao tiêu đầu ra cho chúng tôi. Sau thời gian chăn nuôi vỗ béo khoảng 3 đến 5 tháng, HTX Tiến Thành đến thu mua lại bằng hợp đồng ký kết".
Không chỉ cung cấp trâu, bò và mua lại sau thời gian tăng trưởng đảm bảo có lãi cho người chăn nuôi, HTX còn ký kết hợp đồng mua bán các loại thức ăn tinh với các hộ dân trong và ngoài địa phương, liên kết chặt chẽ với cán bộ thú y trong việc theo dõi, đánh giá chất lượng, sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh từ khi bắt đầu nuôi đến khi xuất bán.
Cũng để quản lý số lượng trâu, bò nhập khẩu và bán cho các HTX, nông hộ liên kết, HTX Tiến Thành đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý bò từ con giống đến nguồn gốc, người chăm sóc, tăng trưởng của trâu, bò, mức độ động dục, thành phần dinh dưỡng đến đầu ra.
Để việc tiêu thụ sản phẩm trâu, bò được mở rộng, năm 2020, HTX đã đầu tư xây dựng chợ đầu mối ở phường An Tường, TP. Tuyên Quang diện tích rộng 12.000m2, tổng kinh phí đầu tư gần 28 tỷ đồng để giới thiệu và tiêu thụ nông sản là các sản phẩm OCOP của địa phương và khu vực. Đồng thời, xây dựng cơ sở chế biến thịt trâu, bò.
Hiện HTX đã chế biến sản phẩm thịt trâu khô Tiến Thành và được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao.
Khó khăn bủa vây cần được tháo gỡ
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, cũng như nhiều ngành kinh tế của tỉnh Tuyên Quang, HTX Tiến Thành đang rơi vào khó khăn, điêu đứng bởi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Nguyên nhân là do dịch bệnh xảy ra, việc giao thương buôn bán, nhập trâu, bò về nuôi không thể triển khai. Bên cạnh đó, các sản phẩm trâu, bò đã nhập về cũng không thể chế biến để xuất khẩu đã làm cho các hộ liên kết, các HTX liên kết phải kéo dài thời gian chăn nuôi.
Trong khi đó, sản phẩm được HTX chế biến là sản phẩm trâu khô cũng chỉ được tiêu thụ chủ yếu vào thời điểm cuối năm để phục vụ trong dịp Tết nguyên đán cũng tiêu thụ chậm. Cùng với đó, quá trình liên kết của HTX với các HTX và tổ hợp tác, hộ liên kết cũng gặp khó khăn về nguồn vốn. Bởi, nguồn vốn lớn nhất của HTX là trâu, bò thì không được tính là tài sản để thế chấp vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, tài sản nhiều nhất của HTX là đất thì ở khu vực miền núi và nông thôn được định giá rất thấp, khó thế chấp hoặc được vay với số lượng quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu thực về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư trâu, bò của HTX.
Khó khăn bủa vây, đứt đoạn về nguồn cung, nguồn tiêu thụ hàng hóa nên đa số người lao động phải nghỉ việc. Từ hơn 300 lao động thường xuyên với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng, đến nay cả HTX cũng cố gắng duy trì, tạo việc làm cho hơn 60 người.
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Tiến Thành cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. |
Trong bối cảnh đó, HTX đã tính đến phương án triển khai nuôi giống bò H’Mông, một giống bò quý bản địa, đặc sản của địa phương, giàu dinh dưỡng và rất thích ứng với các điều kiện về thời tiết, khí hậu, khó khăn đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số…
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Tiến Thành cho biết, để tháo gỡ khó khăn, HTX đã tính đến việc nhập khẩu trâu bò từ các nước khu vực Châu Phi, hiện số trâu, bò này đang làm thủ tục, HTX mong được các Bộ, ngành, cơ quan chức năng cấp phép. HTX cũng tiến hành các bước thành lập các công ty tại một số nước Châu Phi với mong muốn liên kết thu mua, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trâu, bò, tạo sinh kế, ổn định thu nhập cho người dân.
“HTX rất cần sự hỗ trợ về chính sách vay vốn, kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa, mở rộng thị trường nhập khẩu trâu, bò và tiêu thụ thịt trâu, bò từ các bộ, ngành và chính quyền địa phương”, ông Oanh nói.
Ông Đồng Mạnh Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cho biết, HTX Tiến Thành là đơn vị hoạt động thực chất và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và cả khu vực. Dù có hiệu quả và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập ổn định, nhưng quá trình triển khai vay vốn cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi tài sản hạn chế, còn tài sản lưu động lại không được tính vào, trong khi đó việc vay vốn tín chấp cũng không được xem xét chấp nhận.
“Do vậy, chúng tôi mong các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh cần có hướng tháo gỡ để HTX có thể bứt phá, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”, ông Cường nói.
Phạm Duy