Cách đây tròn 6 năm, bắt đầu từ ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc thân thiện với môi trường, anh Nguyễn Đức Vương đã mạnh dạn tìm nguồn nguyên liệu, vay vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, rồi mở xưởng sản xuất, với sản phẩm đầu tiên là ống hút.
Khởi nghiệp từ làng
Đến năm 2021, sau khoảng 3 năm thử nghiệm với nhiều thành công ban đầu, để nâng cao năng lực sản xuất, anh Vương quyết định thành lập HTX tre, trúc VNS Phú Thọ, gồm 7 thành viên chính thức.
Việc thành lập HTX, theo anh Vương, giúp anh và các thành viên có thêm điểm tựa chính danh, từ đó nâng cao uy tín, tự tin tiếp cận các khoa học, kỹ thuật mới, làm ra những sản phẩm tinh tế, thiết thực, an toàn khi sử dụng. Góp phần đưa sản phẩm làm từ tre, trúc của HTX bay xa hơn.
Sản phẩm ống hút thân thiện môi trường của HTX VNS Phú Thọ. |
Với tiêu chuẩn vượt trội cả về chất lượng, mẫu mã, thẩm mỹ, sản phẩm của HTX đang thành công chinh phục người tiêu dùng khắp trong Nam, ngoài Bắc, đồng thời thành công chạm ngõ các thị trường nước ngoài khó tinh như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ…
Đáng chú ý, để nâng cao chất lượng sản phẩm, bên cạnh bàn tay điêu luyện của người lao động, HTX còn tích cực ứng dụng các loại máy móc, thiết bị hỗ trợ hiện đại như máy cưa, cắt, phun sơn...
Đặc biệt, trong khâu kết nối thị trường, HTX đã chủ động bắt nhịp chuyển đổi số, lập website, đăng ký bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, bán những sản phẩm từ tre, trúc ra thị trường.
Đến nay, HTX đã đưa ra thị trường với các sản phẩm decor và đồ gia dụng tre, trúc cao cấp, thiết kế nội, ngoại thất nhà hàng, khách sạn, homestay, resort… Từ năm 2022, HTX được tỉnh Phú Thọ công nhận nhóm sản phẩm dao, thìa, dĩa, ống hút tre đạt OCOP 4 sao và nhóm sản phẩm khay, ấm, chén, cốc, hộp trà tre đạt OCOP 3 sao.
Nhờ sản xuất ổn định, thị trường tiêu thụ rộng, trung bình, doanh thu của HTX tre, trúc VNS Phú Thọ trên dưới 6 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 18 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5-12 triệu đồng/người/tháng.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Cùng với những điểm sáng khởi nghiệp từ làng như HTX tre, trúc VNS, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đang hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp mũi nhọn tại các địa phương.
Điển hình, với nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái gắn với công nghệ cao.
Nổi bật có thể kể đến mô hình trồng dâu tây công nghệ cao theo hướng hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Phúc Long, khu Dư Ba, xã Tuy Lộc, ngay sau khi có chủ trương trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, anh đã đầu tư xây dựng nhà lưới hơn 200m2 để trồng dâu tây.
Theo anh Long, sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao, tuy nhiên, khi đã triển khai thì mang lại những lợi ích rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường sinh thái, sức khỏe con người.
Sản xuất theo hướng hiện đại giúp nông dân tăng giá trị sản xuất. |
Tương tự Cẩm Khê, huyện Tam Nông cũng đang thúc đẩy nông nghiệp thông minh gắn với an toàn sinh thái. Nổi bật có thể kể đến HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn đang là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Giám đốc HTX, cho hay để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới với quy mô hơn 7.000m2 trồng măng tây, dưa chuột… cùng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt của Israel, với số vốn đầu tư hơn bốn tỷ đồng.
Công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm tối đa chi phí, nhân công. Ðến nay, sản phẩm của HTX đã vươn rộng đến nhiều thị trường của các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Ðiện Biên… Doanh thu mỗi năm của HTX đạt hơn 700 triệu đồng, tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương, thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Kết nối thị trường tiêu thụ
Có thể thấy, ngày càng có nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại, cho giá trị kép về kinh tế và môi trường, hình thành ở Phú Thọ. Để có được thành công này, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao…
Hàng loạt vùng sản xuất công nghệ cao nổi bật trên địa bàn tỉnh có thể kể đến như mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê; dự án trồng cây ăn quả có múi và nhà máy chế biến tại xã Ðông Thành (huyện Thanh Ba); mô hình trồng cây ăn quả có múi (bưởi, cam, chanh) với quy mô lớn, ứng dụng tưới tiết kiệm tại các huyện Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn, Phù Ninh; trồng chuối xuất khẩu tại thị xã Phú Thọ và các huyện Tam Nông, Hạ Hòa…
Cùng với hoàn thiện sản xuất, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đang tích cực hỗ trợ các chủ thể giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử như: giaothương.net.vn; postmart.com.vn; các ứng dụng bán hàng trực tuyến.
Chỉ tính riêng năm 2023, hơn 150 doanh nghiệp, 310 gian hàng của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đăng ký cung cấp sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, diễn đàn kết nối cung - cầu, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số.
Thời gian tới, để nối tiếp những thành công đang có, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tiếp tục thúc đẩy nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với cơ cấu lại sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thường xuyên cập nhật thị trường và thực tiễn để định hướng sản xuất; tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, bảo quản.
Lệ Chi