Nhận thức được vai trò của khoa học công nghệ, TP HCM luôn chú trọng hỗ trợ các HTX, Liên hiệp HTX để các đơn vị này nâng cao năng lực đầu tư, thuận lợi trong ứng dụng những tiến bộ mới vào sản xuất kinh doanh.
Hiệu ứng tích cực từ chính sách
Trong đó, thành phố có chính sách hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng trong vòng tối đa 7 năm để hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể thực hiện dự án “Đầu tư công nghệ phục vụ ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp” theo Chương kích cầu đầu tư của thành phố.
Thực hiện chương trình này, HTX Tân Hiệp (Hóc Môn) đã đăng ký tham gia với Dự án “Nhà máy thực phẩm Tân Hiệp - giai đoạn 1” với tổng vốn đầu tư là 513,353 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 100 tỷ đồng.
Dự án này là tâm huyết của HTX Tân Hiệp với mong muốn kết hợp giữa sản xuất và chế biến thịt lợn trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm cung cấp cho thị trường nguồn thịt bảo đảm chất lượng.
Ngoài chính sách trên, TP.HCM đã phê duyệt, lựa chọn HTX tiêu biểu để tham gia thí điểm mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025. Những HTX tiêu biểu được lựa chọn chính là HTX là Thuận Yến (huyện Cần Giờ) và Tuấn Ngọc (Thành phố Thủ Đức). Đây là những mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường giao dịch nông sản một cách hiệu quả nhờ không ngừng đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
Ngay như tại HTX Thuận Yến, các thành viên đều có trình độ cử nhân, ngay như bộ phận kế toán cũng có 2 người có bằng thạc sĩ, 3 người có bằng cử nhân nên việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh và quản lý khá thuận lợi.
Đầu năm 2023, HTX đã thực hiện việc tái đầu tư để phục vụ sản xuất có hiệu quả hơn. Với nguồn vốn lên đến hơn 6 tỷ đồng, HTX đã cải tạo và xây dựng nông trại nuôi tôm siêu thâm canh, bên cạnh mô hình nuôi chim yến và cá dứa.
Tại khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng, với diện tích ao nuôi 20.000 m2, HTX đã thay đổi từ cách nuôi truyền thống qua nuôi mô hình công nghệ cao. Qui trình nuôi sơmi- Biofloc giúp các thành viên có thể nuôi thâm canh với mật độ cao từ 250-350 con/m2. Tôm sau 90 - 105 ngày có thể đạt trọng lượng từ 25- 35 con/kg.
HTX cũng sử dụng phần mềm quan trắc tự động theo quy trình: ghi nhận- cảnh báo-xử lý các chỉ tiêu trong môi trường nước và sử dụng phần mềm quản lý chi phí sản xuất của hãng Boss nhằm tối ưu khâu vận hành. Chính vì vậy mà năm 2023 , HTX thu lợi nhuận khoảng 4,374 tỷ đồng/vụ tôm.
Việc luôn hướng tới đầu tư, nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất để tiến tới giảm sức lao động phổ thông, xử lý công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất giảm thiểu khả năng sai sót của người lao động trong quá trình quản lý nuôi đã đưa Thuận Yến thành mô hình kinh tế hiện đại, đi đầu ở TP HCM.
Phủ sóng công nghệ
Không chỉ tại các HTX, các quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở TP HCM cũng không ngừng đầu tư, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng hoạt động.
Chẳng hạn như tại Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của thành phố hiện cũng đã trang bị phần mềm tín dụng, phần mềm kế toán và phần mềm quản lý người sử dụng. Hệ thống phần mềm đơn vị này giúp nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ nhân viên và quản lý được một số vấn đề hết sức nan giải của lĩnh vực trợ vốn như : Phát hiện nợ xấu kịp thời để xử lý, lập kế hoạch thu hồi nợ vay một cách chính xác; Phát hiện việc cho vay trùng: có vay rồi, xin vay nữa, hoặc vợ đang còn nợ nhưng chồng xin vay tiếp; Tổng hợp tính toán, báo cáo tài chính, kế toán nhanh…
Nông nghiệp công nghệ cao với trọng tâm là các HTX là hướng đi không thể bỏ qua tại TPHCM. |
Ông Trần Ngọc Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX TP HCM cho biết hệ thống công nghệ thông tin là công cụ quản lý quan trọng trong hoạt động trợ vốn. Công nghệ thông tin không những giúp các quỹ thực hiện công việc hàng ngày một cách chính xác nhanh chóng, đạt hiệu suất cao mà còn là nền tảng thông tin như là một kết cấu hạ tầng không thể thiếu để đưa ra các quyết định quản lý phù hợp và chính xác trong các vấn đề như tiền lương, thưởng, kiểm soát nội bộ, vấn đề đánh giá năng lực cán bộ, vấn đề kiểm soát truy cập thông tin trong hệ thống…
“Hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý là một trong những thước đo quan trọng để lượng giá năng lực quản lý của một tổ chức kinh tế tập thể, HTX”, Chủ tịch Liên minh HTX TP HCM chia sẻ.
Theo thống kê, đến cuối năm 2023, TP.HCM có 791 HTX và 12 Liên hiệp HTX. Các mô hình này đã góp phần rất lớn trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã và đang có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất , từ đó bảo đảm liên kết với doanh nghiệp.
Nhận thấy chỉ có ứng dụng khoa học công nghệ mới giúp các HTX, nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đô thị hóa nên giai đoạn 2016-2025, theo Quyết định 1469/QĐ-UBND ngày 28/3/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã triển khai 16 đề tài, đề án ứng dụng Khoa học và Công nghệ. Trong đó đã hỗ trợ chuyển giao 12 mô hình ứng dụng cho 16 HTX nông nghiệp.
Đây sẽ là cơ hội để lan tỏa, phát triển các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Các hỗ trợ này góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm và giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn.
Ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc HTX Tân Hiệp cho biết, việc mạnh dạn vay vốn và nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư thêm máy móc, phương tiện, nhà xưởng, chuồng trại theo chuỗi hiện đại giúp HTX thuận lợi trong kết nạp thêm thành viên, mở rộng sản xuất, kinh doanh... từ đó thúc đẩy gia tăng tiềm lực về nguồn nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ của HTX, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Nhân rộng mô hình công nghệ cao
Trước nhu cầu của thị trường hiện nay, hầu hết các HTX trên địa bàn thành phố HCM đều có nhu cầu đổi mới cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực HTX để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ còn ít. Trong khi, hiện nay đa số hợp tác xã trên địa bàn TPHCM phải thực hiện thuê mặt bằng làm trụ sở, làm cơ sở kinh doanh trong thời gian ngắn, không ổn định. Điều này khiến các HTX khó thực hiện việc liên doanh liên kết, mở rộng sản xuất, không đảm bảo điều kiện tiếp cận chính sách hỗ trợ hạ tầng và các nguồn vốn ưu đãi, vốn vay do vướng cơ chế thế chấp và bảo lãnh trong việc vay vốn.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Nhiệm, Giám đốc HTX Thuận Yến cho rằng hiện nay do vốn đầu tư cho mô hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số khá lớn. Nếu không có vốn đầu tư, nhiệm vụ thu hút thêm thành viên HTX sẽ còn gặp khó khăn. “Hi vọng, HTX có thể tiếp cận được các nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ cho nông dân trong vùng kỹ thuật vận hành mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ đó nhân rộng được mô hình sản xuất”, bà Nguyễn Thị Nhiệm cho biết.
Có thể thấy, mặc dù nguồn vốn hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới, phát triển HTX song, hiệu ứng tích cực từ cơ chế, chính sách là trợ lực khá lớn, thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn TP HCM phát triển đã được chứng minh. TPHCM đang là một trong những địa phương có nhiều HTX nông nghiệp công nghệ cao đi đầu cả nước. Tổng số HTX công nghệ cao đang chiếm đến 70% HTX nông nghiệp của địa bàn này.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc giúp các HTX ứng dụng công nghệ cao cần được TPHCM tiếp tục thực hiện vì do quá trình đô thị hóa, mỗi năm, diện tích đất phục vụ hoạt động nông nghiệp của thành phố giảm khoảng 1.000 ha. Trong khi đó, muốn tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên mỗi đơn vị diện tích, cụ thể là hướng đến 2030 đưa giá trị gia tăng trên một ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 900 triệu đến 1 tỷ đồng, TP HCM buộc phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó lấy các HTX làm trọng tâm.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết, việc đầu tư cho ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu giống để giúp người dân, HTX chủ động sản xuất cũng là điều cần thiết được thực hiện để nông dân, thành viên HTX không rơi vào cảnh phụ thuộc giống bên ngoài.
Với đặc thù các mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn, HTX nông nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ lãi vay theo các dự án quan trọng của thành phố để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi quy mô nhỏ và vừa.
Theo bà Nguyễn Thị Nhiệm, cơ quan quản lý cần hỗ trợ các HTX về vốn nghiên cứu để hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi trồng. Đi liền với đó là hỗ trợ xây dựng giao thông nội đồng, hệ thống cấp nước sạch, xây dựng hệ thống điện mặt trời để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững.
Tùng Lâm