Nằm trên mảnh đất có thế mạnh về nông nghiệp, HTX Hoàng Minh là đơn vị tiên phong đưa cây hương thảo về thôn Lương Cụ Nam, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ). Sau thời gian thử nghiệm, đến nay mô hình của HTX đang cho thấy hiệu quả vượt trội, mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ sản xuất.
Không ngại đổi mới, sáng tạo
Cây hương thảo, theo anh Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, được đưa về và phát triển mạnh địa phương từ khoảng năm 2019. Đây là loài cây có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải (hoặc Nam châu Âu, Tây Á và Bắc Phi) có tên quốc tế là Rosemary.
Sau thời gian thử nghiệm và phát triển thành công vùng nguyên liệu chất lượng cao trên diện tích sản xuất hơn 5 ha, anh Thắng cùng các thành viên HTX đã bắt tay vào nghiên cứu và chế biến ra nhiều sản phẩm chiết xuất từ loại cây độc đáo này, một trong số đó là tinh dầu thơm.
Cây hương thảo đang cho giá trị kinh tế cao tại Thái Bình (Ảnh: BTB). |
Anh Nguyễn Văn Vần, xã Quỳnh Nguyên, hiện đang trồng 8 sào cây hương thảo cung cấp nguyên liệu cho HTX Hoàng Minh, cho biết để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, các hộ liên kết đều được HTX hướng dẫn về khoa học kỹ thuật. Hơn 70% các khâu sản xuất hiện được hỗ trợ bởi máy móc, thiết bị hiện đại.
Điển hình, trong khâu tưới tiêu, các hộ được trang bị máy bơm, nhiều hộ lắp đặt hệ thống tưới tự động, từ đó vừa đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt, vừa tiết kiệm nước. Các khâu khác từ làm đất, xẻ luống, cắt cỏ, đến sơ chế, chế biến, vận chuyển… cũng đang được trang bị máy móc hiện đại hỗ trợ.
“Về cơ bản, cây hương thảo khá dễ trồng bởi nó có sức sống mãnh liệt, không cần nhiều nước, ít sâu bệnh. Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, sau 4 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm thu hoạch được 8 lứa. Năng suất đạt từ 1,3 - 1,5 tạ lá/sào/lứa, bán với giá 15.000 đồng/kg, mỗi năm cho thu nhập từ 16 - 18 triệu đồng/sào, tương đương giá trị 400 - 480 triệu đồng/ha”, anh Vần chia sẻ.
Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất hiện đại, linh hoạt thích ứng với biến động thị trường, HTX Hoàng Minh đang có sự tăng trưởng ổn định, với doanh thu trên dưới 2 tỷ đồng/năm, trở thành điểm tựa sản xuất cho hàng trăm hộ thành viên và liên kết.
Hình thành kinh tế nông nghiệp tuần hoàn
Đến nay, bên cạnh 10ha của các hộ thành viên, HTX Hoàng Minh còn liên kết với nhiều nông dân trên địa bàn các huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy, Vũ Thư và tỉnh Thanh Hóa trồng và ký kết hợp đồng bao tiêu với tổng diện tích hơn 10 ha.
Sản phẩm tinh dầu Hương Thảo của HTX Hoàng Minh được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2023. Các sản phẩm của HTX đều có đầy đủ chứng chỉ, chứng nhận chất lượng, được đăng ký mã số, mã vạch, QR Code để truy xuất nguồn gốc và bảo hộ thương hiệu.
HTX Hoàng Minh chỉ là một trong những điển hình tiêu biểu cho định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với chuỗi giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình.
Đáng chú ý, từ các mô hình liên kết phát triển sinh thái kinh tế tuần hoàn đơn giản như vườn - ao - chuồng (VAC), những năm gần đây đã được người dân cải tiến đề phù hợp với sự phát triển của nền nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.
Điển hình, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có khoảng 200 ha đất canh tác theo hướng thuận thiên có giá trị kinh tế cao tạo sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học như: mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi rươi tại các xã Thụy Việt, Hồng Dũng, Thụy Ninh (Thái Thụy); mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ kết hợp khai thác và phát triển nguồn lợi cáy tự nhiên tạo mô hình nông nghiệp sinh thái 3 tầng (lúa, cáy và cau) tại xã Bình Thanh (Kiến Xương).
Thái Bình đang định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị gia tăng (Ảnh: BTB). |
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện các mô hình sản xuất sinh thái vườn cây 3 tầng, tạo giá trị thu nhập cao, cảnh quan đẹp trong nông thôn với nhiều hình thức canh tác (cau, đinh lăng, gà ri), (mít, chè, ong mật), (mít, đinh lăng, gà ri), (cau, vải, ong mật)... hay mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả...
Còn với lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có trên 18.000 công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi, các mô hình nuôi cá rô - ếch- lúa, ếch – cá rô ở một số địa phương trong tỉnh cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm vật tư, thức ăn chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường nước, không khí...
Phát triển cánh đồng lớn hiện đại
Cùng với hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình cũng đang tích cực hình thành các cánh đồng lớn, mang lại giá trị gia tăng cao.
Như ở huyện Kiến Xương, ông Đỗ Văn Dân trú tại xã Vũ Quý là một trong những người làm cánh đồng lớn có tiếng. Đến nay, ông có khoảng 30 ha ruộng, kết hợp từ diện tích của gia đình và thuê lại.
Theo ông Dân, quy trình cấy một giống lúa trên diện tích lớn, kết hợp đưa khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào các khâu sản xuất đã khẳng định trồng lúa là có lãi. Tính ra, cứ 1 sào lúa ông Dân lãi 600 nghìn đồng.
Để có được hiệu quả kinh tế cao như vậy, ông Dân đã chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại, đầu tư đầy đủ máy móc phục vụ sản xuất gồm máy làm đất, máy làm mạ, máy cấy, máy gặt, máy sấy và máy xát. Đồng thời, ông thuê 15 người làm theo thời vụ.
Có thể thấy, ngành nông nghiệp định hướng hiện đại gắn với chuỗi giá trị tại Thái Bình đang có những chuyển biến đầy tích cực. Trên những điểm tựa ấy, tỉnh đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 3,5%/năm (tới năm 2030); thu nhập người dân, cư dân nông thôn năm 2030 cao hơn 2 - 2,5 lần so với năm 2020.
Tỉnh cũng đang đặt mục tiêu trồng mới khoảng 30 - 35 triệu cây bản địa đa tác dụng làm cơ sở để xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái đa giá trị; phát triển, mở rộng thêm ngành ong mật, dâu tằm tạo khối lượng và chất lượng đáp ứng xuất khẩu…
Đáng chú ý, tỉnh cũng đang thúc đẩy nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm. Đến năm 2045, tỉnh đặt mục tiêu trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, kết nối chặt chẽ, hài hòa với quá trình đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mỹ Chí