Với diện tích sản xuất hàng trăm ha nhưng khi đi trên cánh đồng của HTX Mỹ Thành Bắc luôn cảm nhận được không khí trong lành, đường đi thông thoáng, sạch sẽ. Đặc biệt, HTX đã áp dụng quy trình trồng lúa hữu cơ và ứng dụng một loạt công nghệ vào hỗ trợ người nông dân trong quá trình làm việc.
Dùng máy bay phun thuốc
Mỹ Thành Bắc cũng là xã vùng sâu, hằng năm bị ảnh hưởng lũ trong khi kinh tế chủ lực của xã phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất cây lúa. Nếu không thay đổi phương thức sản xuất, người dân sẽ ngày càng đói nghèo.
Trước thực trạng trên, được sự hỗ trợ của địa phương, HTX Mỹ Thành Bắc đã thực hiện mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua thực hiện đồng loạt các quy trình như: quản lý chuột cộng đồng; cánh đồng lúa sạch; 3 giảm, 3 tăng và chương trình Xây dựng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn…
Quá trình sản xuất, thành viên áp dụng bón phân thông minh và cấy lúa bằng máy. Đặc biệt nhất là máy sạ lúa, vừa bón phân vùi cùng lúc nên tiết kiệm được chi phí về công lao động. Sử dụng phân bón vùi theo quy trình, HTX chỉ cần bón 2 lần/vụ. Phân vùi thích hợp cho cây lúa hấp thu tốt, ít bị trôi khi gặp trời mưa.
Dùng máy bay phun thuốc trừ sâu giúp người nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật. |
Nếu như sản xuất lúa truyền thống, người dân phải đeo bình thuốc BVTV phun cho từng mảnh ruộng. Thì nay, HTX đã sử dụng phun thuốc BVTV thông minh bằng máy bay không người lái trong cả vụ. Kết quả, nông dân giảm 50% phân bón, giảm 80% công bón phân, giảm 50% lượng rác thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%, thu nhập của bà con tăng lên ít nhất 20%.
Một ưu điểm nổi bật khác của việc sử dụng máy bay phun xịt thuốc là nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, vì vậy hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc BVTV.
Theo ban giám đốc HTX, việc đầu tư máy sạ, máy bay phun thuốc BVTV là hợp với nhu cầu thực tế sản xuất trên quy mô lớn của HTX. Qua đó, cho thấy công năng, hiệu quả của khoa học công nghệ trong việc giải quyết bài toán thiếu nhân công, góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và cải thiện môi trường tự nhiên.
Tưới nước cho lúa bằng điện thoại
Không dừng lại ở đó, HTX Mỹ Thành Bắc còn áp dụng công nghệ tưới nước tự động bằng điện thoại thông minh cho toàn bộ diện tích lúa của thành viên.
Hệ thống quản lý nước ngập khô xen kẽ đang được áp dụng công nghệ điện toán đám mây. Hệ thống cảm biến sẽ đo mực nước trên ruộng và gửi thông tin đến phần mềm quản lý kết nối với hạ tầng đám mây. Nông dân có thể theo dõi mực nước thực tế và mực nước được khuyến nghị trên ứng dụng điện thoại thông minh, dựa vào đó xác định thời gian tốt nhất để tưới nước cũng như lượng nước tối ưu cần tưới. Hoặc nếu ruộng quá nhiều nước cũng có thể thực hiện rút bớt nước thông qua các thao tác trên điện thoại.
Thực tế, việc người dân thực hiện kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ thủ công tương đối phức tạp. Người nông dân cần phải biết lượng nước tối ưu ở từng giai đoạn trong vòng đời của cây lúa, tùy theo điều kiện của đất và giống lúa. Để đảm bảo lượng nước và căn thời gian chuẩn, nông dân phải ra ruộng đo mực nước thường xuyên và thực hiện tưới, tiêu khi cần.
Điều kiện để thực hiện phương pháp này là ruộng lúa phải có địa hình bằng phẳng. Nông dân cần có hệ thống máy bơm để có thể bơm nước cho ruộng khi cần. Đặc biệt, dù là bơm nước hay tháo nước thì người dân phải kiểm tra mực nước nhiều lần và phải trực tiếp có mặt ở ngoài ruộng.
Hệ thống đo mực nước mặt ruộng (trái) và tự động gửi số liệu về thiết bị (phải). Điện thoại của nông dân sẽ được kết nối với các hệ thống này để thực hiện bơm, tháo nước thông qua điện thoại thông minh. |
“Công nghệ này rất thuận tiện. Tôi có thể quan sát mực nước trong ruộng rồi bật tắt máy bơm kể cả khi ở nhà. Nó cũng rất tiết kiệm điện và nước”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc HTX Mỹ Thành Bắc cho biết.
Ngoài ra, thực hiện mục tiêu cơ giới hóa các khâu sản xuất, hiện nay, các giai đoạn sản xuất từ bơm tát nước đến làm đất, thu hoạch đều đã được thành viên áp dụng cơ giới. Điều này vừa giúp giải phóng sức lao động, giảm nhân công, chi phí sản xuất, vừa nâng cao hiệu quả canh tác.
Ứng dụng hàng loạt công nghệ hiện đại giúp HTX Mỹ Thành Bắc hoàn thiện quy trình trồng lúa công nghệ cao. Từ đó, mở ra một giai đoạn mới trong sản xuất lúa ở Tiền Giang, đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi tham gia liên kết sản xuất trong HTX, thành viên yên tâm sản xuất nhờ đảm bảo từ khâu đầu vào cho đến khâu đầu ra với lợi nhuận cao, thu nhập ổn định. Thành viên không còn phải lo toan về sự bấp bênh của hạt lúa hàng hóa và điệp khúc "trúng mùa, mất giá" như trước, bởi HTX đã liên kết với Tập Đoàn Lộc Trời bao tiêu toàn bộ lúa của thành viên.
Từ 13ha thí nghiệm ban đầu, đến nay, HTX Mỹ Thành Bắc đã mở rộng diện tích lên 300ha và tập trung trồng giống OM 18 và Đài Thơm 8 theo phương thức doanh nghiệp đầu tư vật tư nông nghiệp, giống lúa xác nhận và bao tiêu đầu ra cho bà con thành viên.
Tùng Lâm