Việc các HTX tại tỉnh Hòa Bình chủ động tiếp cận, ứng dụng KHCN và thúc đẩy ĐMST không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị sản phẩm mà còn mở ra những cơ hội mới, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đòn bẩy để HTX sáng tạo
Hòa Bình với tiềm năng nông nghiệp phong phú, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và bản sắc văn hóa đặc sắc đang chứng kiến sự phát triển ngày càng lớn mạnh của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ ứng dụng KHCN, thúc đẩy ĐMST trong các HTX trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong đó, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn để tuyên truyền về tầm quan trọng, lợi ích và các chính sách hỗ trợ ứng dụng KHCN và ĐMST trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đi liền với đó là hoạt động tư vấn, hỗ trợ các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh gắn với ứng dụng KHCN và ĐMST, giúp họ xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức các hội thảo giới thiệu các công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp (như công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) và mời các nhà khoa học từ các trường đại học nông nghiệp đến trình bày, tư vấn trực tiếp cho các HTX nông nghiệp.
![]() |
Bưởi của HTX Nông nghiệp Mỹ Tân được xuất khẩu sang Mỹ. |
Liên minh HTX tỉnh cũng đã hỗ trợ một số HTX du lịch cộng đồng tiếp cận các dự án nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững, bảo tồn văn hóa bản địa do các trung tâm nghiên cứu văn hóa thực hiện.
Thông qua các kênh thông tin của mình, Liên minh HTX tỉnh đã giới thiệu các HTX có nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến nông sản với các viện nghiên cứu có chuyên môn phù hợp để tiến hành hợp tác.
Không dừng lại ở đó, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Trung ương (Liên minh HTX Việt Nam) cũng đã phối kết hợp với Liên minh tỉnh Hòa Bình tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Hay Trung tâm các chương trình kinh tế xã hội (Liên minh HTX Việt Nam) cũng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thương mại điện tử cho thành viên HTX và đại diện các hộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Hòa Bình.
Năm 2024, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH&CN (Sở KH&CN), Viện Khoa học công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách và tư vấn cho nhiều HTX trên địa bàn tỉnh về việc xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng phương án sản xuất gắn với đổi mới thiết kế mẫu mã, bao bì, tem nhãn, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Sức mạnh của KHCN và ĐMST
Có thể thấy, đây là những nền tảng vững chắc để các HTX ở Hòa Bình đẩy mạnh ứng dụng KHCN và ĐMST. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp hữu cơ V-Organic (huyện Tân Lạc) chuyên về sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết. HTX này ứng dụng hệ thống tưới phun mưa tự động và quy trình sản xuất được cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ, cho thấy sự chú trọng vào công nghệ và quy trình tiên tiến của mô hình kinh tế tập thể.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Mỹ Tân (huyện Lương Sơn) nổi tiếng với sản phẩm Bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX trồng chè hữu cơ và một số nông sản khác. Để đạt được điều này và đưa một số nông sản vào được các hệ thống siêu thị lớn, thậm chí xuất khẩu cả bưởi sang Mỹ, HTX đã có những ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm như: Đầu tư quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo tiêu chuẩn thu mua nghiêm ngặt của các doanh nghiệp.
![]() |
HTX 3T Farm ứng dụng công nghệ và ĐMST để sản xuất theo chuỗi. |
Ngoài ra, một số HTX và tổ chức quản lý các homestay, bản du lịch cộng đồng tại các điểm như Mai Châu (bản Lác, bản Pom Coọng, bản Hang Kia), Lạc Sơn (Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông) đang dần có sự đổi mới trong cách thức quản lý, quảng bá và cung cấp dịch vụ dựa trên ứng dụng công nghệ. Những HTX này (HTX Passion Hòa Bình, HTX du lịch Thác Mu…) đã thực hiện đặt phòng trực tuyến, quảng bá trên mạng xã hội, sử dụng các ứng dụng quản lý bằng công nghệ để nâng cao hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Các mô hình HTX ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng được nhân rộng, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy và cách làm của người nông dân và các nhà quản lý HTX.
Việc tỉnh Hòa Bình cấp và quản lý 30 mã số vùng trồng cũng là một minh chứng rõ ràng cho thấy các HTX và tổ chức sản xuất đã chú trọng đến quy trình sản xuất minh bạch- an toàn, một yếu tố quan trọng của ứng dụng KHCN trong nông nghiệp.
HTX 'lột xác' nhờ công nghệ, đổi mới sáng tạo
Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, có những HTX ở Hòa Bình còn thể hiện sự năng động và sáng tạo trong chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Các HTX đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn từ nông sản địa phương.
HTX cam 3T nông sản Cao Phong (HTX 3T Farm) là một điển hình khi đã tập trung vào quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc diệt cỏ. Các thành viên đã trang bị máy sấy lạnh và máy cô đặc chân không để chế biến các sản phẩm từ cam, giúp giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên của cam Cao Phong.
Không dừng lại ở đó, HTX còn ứng dụng công nghệ trong bảo quản sau thu hoạch, giúp nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản của cam tươi. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc giúp HTX minh bạch thông tin sản phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, không chỉ xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân trong vùng, hỗ trợ kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho người dân, HTX còn đẩy mạnh ĐMST bằng việc hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Chính vì vậy mà bên cạnh cam tươi, HTX còn phát triển các sản phẩm chế biến sâu như: Mứt cam, trà detox cam, bột cam nguyên chất… Việc đa dạng hóa sản phẩm giúp HTX tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng KHCN và hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, HTX 3T Farm đã tạo việc làm và nâng cao đời sống cho các thành viên, trong đó có nhiều hộ là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo.
Nhờ những ĐMST trên, HTX 3T Farm Hòa Bình đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và trở thành một mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình.
Những kết quả tích cực trên có được một phần quan trọng nhờ vai trò hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình. Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KHCN và ĐMST, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, kết nối các HTX với các nhà khoa học, các dự án nghiên cứu và các trung tâm ứng dụng KHCN.
Theo Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình, Liên minh HTX tỉnh luôn xác định KHCN và ĐMST là động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tập thể. Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX có thể tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh và mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên.
Tùng Lâm