Theo Ban giám đốc HTX, cây nho đen không hạt có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, được Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trồng thử và cho hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Mạnh dạn đầu tư, tận tâm làm "sạch"
Qua nhiều mô hình đã thành công trong thực tế, nhận thấy cây nho đen không hạt có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập tốt cho người dân, HTX SHG đã mạnh dạn đưa cây nho đen chất lượng cao về trồng trên đồng đất xã Tam Giang trên diện tích 1ha.
Để bảo đảm chất lượng, HTX đầu tư hơn 200 triệu đồng để mua giống về ươm trồng. Cùng với đó là đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động và nhà vườn theo đúng tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đó, giàn cho nho leo được làm hình chữ Y dọc các luống. Bên trên làm vòm mái che bán nguyệt bằng nilon trong suốt để vừa giảm mức độ nhiễm sâu bệnh, vừa hạn chế nước mưa để nho không bị úng, thối rễ do nho là cây ưa ánh nắng.
Nho đen không hạt khi ra quả còn non. |
Thực tế, mô hình trồng nho theo hướng công nghệ cao có rất nhiều rủi ro. Bởi, theo các thành viên, nho đen được trồng ở nhiều địa phương thành công nhưng tại Bắc Ninh lại chưa có mô hình nào để HTX học tập cụ thể. Hơn nữa, vốn đầu tư cho sản xuất lên đến cả tỷ đồng, nên ban đầu các thành viên không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự hỗ trợ của các chuyên gia, các thành viên đã nhận ra rằng “rủi ro cao luôn đi kèm với cơ hội lớn”.
Muốn thành công, người trồng nho phải làm chủ được công nghệ, kỹ thuật chăm sóc, bởi nếu không xử lý cho cây ra hoa được thì coi như thất bại. Chính vì vậy, từ thời điểm xuống giống cho đến lúc được thu hoạch, không có ngày nào là thành viên không phải có mặt ở vườn để chăm cây.
Trong thời gian cây lớn, thành viên liên tục phải ngắt ngọn, đồng thời tỉa chồi nách để thân cây to thêm. Sau khi cây cao chừng 1m phải phân nhánh cành cấp 1, sau đó lại phân nhánh cành cấp 2, phải buộc cành đồng thời liên tục bấm tỉa chồi nách, ngắt ngọn.
Trong quá trình trồng và đi thực tế ở phía Bắc, HTX thấy nho bị chủ yếu các loại sâu, bệnh phá hại như: sâu xanh da láng, bọ trĩ, bọ cánh cứng, sâu tơ, bệnh sương mai, phấn trắng, thán thư, thối cuống quả. Để hạn chế tình trạng này, HTX có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng bảo đảm đúng thời điểm, liều lượng, thời gian cách ly.
Thành công bước đầu
Nếu như nho Ninh Thuận không thể trồng ở ngoài miền Bắc và chỉ cho thu hoạch một vụ/năm thì nho đen có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm. Nho đen đang bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao vì được thị trường ưa chuộng. Sau khoảng 2-3 vụ (hơn 1 năm) người trồng có thể hòa vốn và có lãi. Ngoài việc thu quả, vườn nho còn có thể trở thành điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm nên về lâu dài sẽ giúp HTX tăng hiệu quả kinh tế.
Giám đốc Ngô Viết Hùng cho biết, để tránh tình trạng nho trồng mấy năm mà vẫn không ra quả, HTX phải đảm bảo tất cả các công đoạn từ làm cỏ, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… đều tuyệt đối không dùng hóa chất. Bên cạnh đó, thành viên phải thật sự tâm huyết, tận tâm vì trồng trên quy mô lớn, nho phải cắt tỉa cành nhiều nên có khi cắt xong ở cuối ruộng thì đầu ruộng đã mọc cành và ngọn mới.
Theo tính toán, năng suất nho có thể đạt 10 tấn/ha, HTX cũng liên kết với các cấp ngành để tiêu thụ nên đầu ra đang rất ổn định.
Trồng theo hướng công nghệ cao là một trong những điều kiện tốt nhất để nho cho năng suất, chất lượng cao. |
Bằng những gì đã đạt được, HTX SHG đã chứng minh việc đưa cây nho đen vào trồng là phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ canh tác của địa phương. Đây là hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng có giá trị đưa vào sản xuất để thay thế dần các loại cây trồng truyền thống nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái.
Thông qua mô hình của HTX, không ít người dân đã hiểu rằng không phải cứ lạm dụng phân thuốc hóa học thì cây mới cho quả và đạt năng suất cao. Và không phải biện pháp sản xuất nào hiện đại cũng là tốt nhất đối với con người và môi trường.
Định hướng trong thời gian tới, HTX sẽ nhân rộng mô hình thông qua việc liên kết đầu vào và đầu ra. Theo đó, người dân được hỗ trợ kỹ thuật đến khi thu hoạch mới phải trả hết tiền giống và được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm là 5.000 đồng/kg nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nho đen.
Tùng Lâm