Theo báo cáo từ Văn phòng chuyên trách nông thôn mới tỉnh Quảng Trị, đến nay, địa phương có 63/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi được công nhận, các xã đã chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, triển khai nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân và tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Nông nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số
Để làm được điều này đồng thời hướng đến chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, Quảng Trị định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số. Địa phương cũng tập trung xây dựng dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, HTX, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng hàng hóa.
Dù công cuộc chuyển đổi số ở địa phương mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng cũng đã cho thấy hướng đi đúng đắn của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp khi thúc đẩy nâng chất nông thôn mới, từ đó hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh.
Đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh. Hay những mô hình chuyển đổi số trong quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc phát triển thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh trong sản xuất, kinh doanh nông sản, hàng hóa, từ đó phần nào gỡ vướng cho người nông dân, thành viên HTX.
Như tại HTX Kim Long (huyện Hải Lăng), các thành viên tuy gắn bó với cây lúa trong nhiều năm liền nhưng vẫn tìm thấy niềm vui trong sản xuất nhờ HTX liên kết với doanh nghiệp đưa thiết bị máy bay không người lái (drone) vào để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Việc này vừa giải quyết được bài toán thiếu lao động phun thuốc trừ sâu, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đầu năm 2023, 15 tấn gạo hữu cơ của HTX Kim Long và nông dân tỉnh Quảng Trị đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu với giá 1.800 USD/tấn. Tiếp nối mối liên kết với doanh nghiệp, mỗi tháng, HTX và các mô hình sản xuất khác có khoảng 30 - 50 tấn gạo hữu cơ xuất khẩu sang châu Âu. Đây chính là niềm tin để HTX Kim Long và các HTX khác tiếp tục chuyển đổi số, mở rộng sản xuất lúa và gạo hữu cơ xuất khẩu.
Sử dụng máy bay không người lái đang từng bước được phổ biến trong nông nghiệp ở Quảng Trị. |
Đặc biệt, nhận thấy lợi ích của drone trong phát triển ngành lúa gạo hàng hóa, huyện Hải lăng còn hỗ trợ mỗi HTX trồng lúa xây dựng một điểm phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Huyện cũng đang tích cực hỗ trợ các HTX trong việc mua loại phương tiện này cũng như đào tạo cán bộ vận hành để chủ động sản xuất lúa và các loại cây trồng khác.
Không chỉ ở Hải Lăng, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh đã tận dụng lợi thế của điện thoại thông minh và thông qua ứng dụng Zalo quét QR để biết và kiểm tra được các thông tin về loại cây trồng, quy trình chăm sóc cây trồng- vật nuôi... Đặc biệt, khi các HTX có sản phẩm cần bán, thành viên có thể chụp ảnh, quay video, khai báo số lượng để đăng lên mạng xã hội hoặc đăng lên nhóm quản lý của HTX để HTX biết thu mua hoặc giới thiệu trên sàn thương mại điện tử.
Chị Hoàng Thị Phương, hộ tham gia liên kết với HTX nông nghiệp Tân Hợp (huyện Hướng Hóa), cho biết từ khi liên kết với HTX, chị được tham gia các lớp đào tạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và bán hàng, trong đó có mặt hàng chanh leo. Đến nay, chị không còn thấp thỏm lo âu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm hay rơi vào cảnh "được mùa, mất giá" như thường thấy.
Hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại…
Theo thống kê của ngành chức năng Quảng Trị, đến nay, trong 234 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản của toàn tỉnh đã có 14 cơ sở tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Vỏ sò; 32 cơ sở kinh doanh online, facebook...; 16 cơ sở có trang thông tin thương mại điện tử; 20 cơ sở ứng dụng mã QR để truy xuất thông tin nguồn gốc các sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP trên địa bàn Quảng Trị, từ đó hàng hóa kết nối dễ dàng với các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây là nền tảng để huyện xây dựng nông thôn mới thông minh.
Tuy nhiên, từ thực tế những gì đang làm cho thấy, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong HTX nông nghiệp, phát triển nông thôn ở Quảng Trị mới đang ở những bước cơ bản, thiếu tính hệ thống và kết nối, thông tin thiếu tính cập nhật và chia sẻ…
Việc ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ 4.0, sản xuất theo hướng có liên kết, theo quy trình hữu cơ, sạch, có chứng nhận, sản xuất theo chuỗi giá trị... tuy đã được người dân, HTX thực hiện nhưng chưa nhiều. Tỉnh và Nhà nước cũng chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp chuyển đổi số.
Vì thế mà lượng HTX, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của Quảng Trị còn ít. Mới chỉ có chưa đến 6% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và cũng chỉ khoảng 10% HTX, tổ hợp tác tham gia chuỗi liên kết sản xuất…
Dự kiến trong thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp một cách toàn diện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, và có thể đóng góp khoảng 10% GRDP của ngành nông nghiệp vào năm 2025.
Để thực hiện thành công mô hình làng, xã thông minh, tỉnh Quảng Trị xác định việc chuyển đổi số phải diễn ra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như: Hạ tầng thông minh, sản xuất kinh doanh thông minh, dịch vụ thông minh, nguồn lực thông minh, thiết chế thông minh,… Điều này có nghĩa là người dân, HTX phải chuyển đổi số ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực.
Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới qua ứng dụng số; các dịch vụ công trực tuyến về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ một số mô hình điểm về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; phổ biến, nhân rộng các mô hình triển khai có hiệu quả để các địa phương tham khảo thực hiện…
Tùng Lâm