Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, con cua Cà Mau khi bán sang Trung Quốc, phía Trung Quốc chỉ cần làm thêm bao bì, nhãn hiệu nhưng giá bán cao gấp 5 - 7 lần.
Thua thiệt vì không có bao bì
Điều này thực sự không còn mới đối với hầu hết nông sản được xuất sang Trung Quốc và Thái Lan. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng, ở thị trường như EU, châu Phi… nhiều sản phẩm có bao bì, nhãn hiệu của Thái Lan, Trung Quốc nhưng thực chất nguyên liệu bên trong lại được nhập từ Việt Nam.
Nói ra điều này để thấy, không chỉ có sơ chế, chế biến là quan trọng mà bao bì, nhãn mác cũng tôn giá trị cho nông sản lên rất nhiều lần nếu HTX và cả doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm vươn xa.
Theo thống kê của Văn Phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, bao bì chiếm đến 80% thành công của một sản phẩm, là yếu tố dẫn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Chỉ cần một khách hàng trung thành với sản phẩm, giá trị mang lại cho chủ thể sản xuất sẽ tăng gấp 10 lần so với khi họ mua lần đầu.
Nhiều HTX cho rằng, để đầu tư bao bì cho nông sản quả thực là không dễ bởi đa phần HTX hiện nay có quy mô vừa và nhỏ nên vừa thiếu nguồn vốn lại thiếu cả cách làm để có được những bao bì phù hợp, chuyên nghiệp.
Đầu tư cho bao bì, nhãn mác cũng là cách marketing hiệu quả cho HTX, doanh nghiệp. |
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Quảng Phú (Đăk Nông) cho biết, là đơn vị chuyển sản xuất và thu mua cam hữu cơ, việc có bao bì phù hợp, bắt mắt là cần thiết. Thế nhưng do nguồn vốn có hạn nên HTX cũng chỉ mới đầu tư theo hình thức thùng carton nên khi vận chuyển không đúng cách và với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ của HTX cũng rất khó khăn. Khi tiếp cận với nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, mức lãi suất lên đến 8-9%/năm, thậm chí 11-12%/năm nên áp lực duy trì sản xuất, việc làm cho thành viên, người lao động đã khó, việc sản phẩm có bao bì đẹp, tinh tế còn khó hơn.
“Các HTX vừa thiếu vốn lại phải chịu mức lãi suất cao thì lấy đâu ra nguồn lực để nâng cấp, đầu tư cho bao bì”, bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ.
Đầu tư cần chọn lọc
Theo các chuyên gia, ở các nước khác, giá nông sản tươi, thô khi bán ra thị trường thực chất cũng không quá cao nhưng nhờ họ đã tạo ra được một hệ sinh thái, một chuỗi giá trị, trong đó có yếu tố bao bì, đóng gói, nhãn mác nên giá trị sản phẩm bán ra luôn cao ít nhất gấp 5-7 lần so với nông sản thô, nông sản tươi.
Chẳng hạn như rượu ở nước Anh, vốn được làm từ mạch- có giá thấp, nhưng nhờ đầu tư cho bao bì kết hợp với tạo câu chuyện về thương hiệu đồ uống có cồn nên giá trị mặt hàng này mang về hàng chục tỷ USD cho nước Anh và người làm ra chúng.
Việc đầu tư cho các quy trình trên một phần cũng nhờ các chính sách phát triển nông nghiệp, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, HTX ở các nước phù hợp hơn. Còn đối với các HTX ở Việt Nam, việc đầu tư, cải tiến bao bì rất khó khăn bởi luôn đi cùng với đòi hỏi về giá thành phù hợp.
Hầu hết các HTX có nguồn lực nhỏ bé nên việc mong muốn có bao bì đáp ứng hàng loạt các yêu cầu như: bắt mắt, có nhiều hiệu ứng, thu hút khách hàng, bảo đảm chất lượng nông sản, thân thiện với môi trường… quả thực không dễ. Đặc biệt trong điều kiện thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, bao bì không chỉ dừng lại ở việc bảo quản nông sản mà còn như một công cụ marketing hiệu quả.
Tuy nhiên, để hướng đến phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng trước việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ để đầu tư cho bao bì khó khăn, các HTX nên cân nhắc mọi công đoạn của chuỗi giá trị đến việc đầu tư, thiết kế bao bì để tránh lãng phí một cách thấp nhất.
Chẳng hạn như đối với khâu thiết kế, việc hợp tác với các ngành chức năng để nhận hỗ trợ miễn phí đến xem xét các đơn vị ở gần để thuận lợi đi lại, tiết kiệm thời gian được cho là phù hợp. Hay việc trao đổi, lên ý tưởng, nắm bắt các yêu cầu pháp luật về bao bì… cần được trao đổi kỹ càng để hạn chế phải thiết kế lại, sản xuất các mẫu thử nghiệm nhiều lần.
Bởi đối với bao bì, khi sản xuất, in ấn ra chỉ phù hợp với một đơn vị sử dụng, một mặt hàng nhất định. Nếu HTX không có sự bàn bạc cụ thể, thì phía doanh nghiệp không thể bán sản phẩm thừa cho người khác, trong khi toàn bộ chi phí đó HTX vẫn phải trả, hoặc ít nhất phải đặt cọc theo yêu cầu từ phía doanh nghiệp sản xuất.
Cũng cần nhìn nhận rằng trong xu thế phát triển xanh như hiện nay, bao bì thân thiện môi trường luôn có sức thu hút với đối tác, khách hàng. Tuy nhiên không phải vì điều đó mà HTX đánh đổi tất cả để đầu tư cho các loại bao bì xanh. Bởi xét về yếu tố kinh tế, việc đầu tư bao bì nhựa vẫn được coi là giải pháp tiết kiệm chi phí và hiện vẫn được nhiều doanh nghiệp ưu tiên.
Điều mà các HTX cần xem xét đó là làm sao để từng bước hạn chế sử dụng bao bì nhựa hoặc sử dụng bao bì nhựa như thế nào cho phù hợp thay vì tẩy chay và sử dụng loại bao bì khác có thể gây ô nhiễm hơn. Một ví dụ cụ thể là việc sử dụng các loại cốc bằng giấy giúp độ phân hủy nhanh hơn các loại cốc bằng nhựa một lần. Nhưng nếu lạm dụng và không tính toán phù hợp thì các công đoạn sản xuất cốc giấy cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường không kém.
Nhưng ngược lại, các thương hiệu lớn như Coca-cola, Aquafina… vẫn sử dụng nước đóng trong chai bằng nhựa và vẫn được đánh giá cao nhờ họ có quy trình sản xuất rõ ràng và mục tiêu từng bước hạn chế sử dụng bao bì nhựa một cách phù hợp, thay vì thay đổi toàn bộ bao bì trong thời gian ngắn.
Huyền Trang