Má A Nủ (sinh năm 1994, người dân tộc H’Mông), hiện đang là Chủ nhiệm HTX H’Mông Cát Cát (bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) chuyên sản xuất tinh dầu dược liệu đã tạo được chỗ đứng cho thương hiệu sản phẩm của mình nhờ kiên trì nghiên cứu, học hỏi.
Giúp người dân thoát nghèo bền vững
HTX của A Nủ tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương nhờ vào việc trồng và cung cấp cây dược liệu.
A Nủ hướng dẫn người dân các thao tác, quy trình để tạo ra sản phẩm tinh dầu (Ảnh: TL) |
Ngoài việc hướng dẫn người dân thu hái các loại cây, cỏ dược liệu, A Nủ còn hướng dẫn người dân các thao tác, quy trình để tạo ra sản phẩm tinh dầu có chất lượng tốt nhất, vừa có thể làm tại xưởng của anh mà vẫn có thể làm thêm ở nhà.
Đối với bà con nơi đây, Má A Nủ không chỉ là người thành lập và khởi nghiệp thành công với xưởng chưng cất tinh dầu dược liệu đầu tiên mà còn là người có công khi góp phần phát triển nghề trồng cây dược liệu tại xã San Sả Hồ.
Từ việc gây dựng HTX H’Mông Cát Cát, Má A Nủ mong rằng có thể giúp đỡ được nhiều người dân địa phương cùng phát triển. “Hy vọng HTX H’Mông Cát Cát sẽ là một cơ hội tốt đối với các bạn người dân tộc như mình. Tôi muốn chứng minh rằng, chỉ cần bạn quyết tâm, nỗ lực cộng với sự tính toán có nghiên cứu, chắt lọc thì bạn sẽ thành công”, Má A Nủ chia sẻ.
Ngoài ra, với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Sa Pa, A Nủ cũng thành lập quỹ hỗ trợ cộng đồng, trích 5% giá trị mỗi sản phẩm bán ra, góp vào quỹ để hỗ trợ những hoàn cảnh trẻ em khó khăn trên địa bàn, đồng thời mở các lớp dạy chiết xuất dược liệu cho trẻ em.
Niềm cảm hứng cho thanh niên địa phương noi theo
Từ sự thành công của A Nủ, những thanh niên dân tộc thiểu số sẽ có đủ sự tự tin để làm giàu trên chính quê hương mình. Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho người dân.
Phát triển nghề trồng cây dược liệu tại xã San Sả Hồ (Ảnh: TL) |
Lào Cai là tỉnh vùng biên với trên 64% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, bình quân mỗi năm có trên 6.000 người bước vào độ tuổi lao động.Vì vậy, công tác đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ trọng điểm được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Hiệu quả trong công tác dạy nghề đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Lào Cai tính đến hết năm 2019 đạt 52,58%, tăng 25% so với với năm 2010. Trong thành công này không thể không nhắc tới vai trò của những HTX tiên phong dẫn dắt, đào tạo lao động ở miền núi sơn cước này.
Với những thành công đang có, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai dự kiến tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp, thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động về các chính sách, chương trình đào tạo nghề.
Đặc biệt, tăng cường cơ chế vay vốn ưu đãi, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa…
Tỉnh cũng sẽ phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát thực tế, nhu cầu học nghề của từng bộ phận người dân. Các khóa, lớp đào tạo nghề dài hạn hơn, đáp ứng trình độ dân trí cũng như tâm lý học viên.
Đồng thời, các địa phương rà soát, lựa chọn danh mục nghề đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số bên cạnh những nghề truyền thống cần chú trọng gắn với yêu cầu làm nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và xuất khẩu lao động.
Thy Lê