"Xanh hóa" trong sản xuất công nghiệp của các HTX sẽ thực sự có hiệu quả khi chi phí chuyển giao công nghệ được giảm tối đa và có sự tăng cường hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nhằm khuyến khích các HTX mạnh dạn đầu tư vào ngành công nghiệp thân thiện với môi trường.
Tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường
Tại HTX gốm sứ Tân Thịnh, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, để nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, không ngừng nâng cao tay nghề và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất theo hướng tinh xảo, hiện đại.
HTX gốm sứ Tân Thịnh không chỉ tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường mà còn gắn với xanh hóa quá trình sản xuất. |
Khi đi vào hoạt động, HTX Tân Thịnh xác định bảo vệ môi trường không chỉ bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định và hiệu quả, mà còn bảo vệ sức khỏe các thành viên và người lao động. Đây là yếu tố then chốt để HTX phát triển vững mạnh.
Trong quá trình hoạt động, Ban giám đốc phải ký cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan chức năng tại địa phương. Cùng với đó, HTX xây dựng, lắp đặt lò nung có công suất lớn, đồng thời đổi mới công nghệ để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một trong những điểm nhấn là HTX đã sử dụng lò nung bằng gas với công suất lớn giúp giảm tiêu hao nhiên liệu cũng như số nhân công vận hành tính trên đầu sản phẩm, trong khi công suất nung tăng gấp 2 lần so với lò truyền thống.
Đặc biệt lò nung bằng gas hoá lỏng rất phù hợp với kế hoạch sản xuất tập trung và có thể nung cả những sản phẩm có kích thước lớn, vận hành đơn giản, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì không phải sử dụng than cám nung như lò cũ.
“Các thành viên đều gắn bó với nghề gốm sứ nên ai cũng hiểu nếu thiếu vốn sản xuất, nhà xưởng được xây dựng một cách tạm bợ, dây chuyền sản xuất lạc hậu thì không chỉ sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm mà còn gây ô nhiễm môi trường… Do vậy, những năm gần đây, HTX từng bước đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất nâng cao chất lượng hoạt động”, đại diện lãnh đạo HTX cho biết.
Ông Nguyễn Đình Hợi, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Gia Lâm đánh giá, HTX gốm sứ Tân Thịnh không chỉ tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường gắn với xanh hóa quá trình sản xuất, mà còn tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho hàng chục lao động tại địa phương, góp phần vào chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Với sự phát triển nhanh của các HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về số lượng HTX.
Không chỉ tăng nhanh về “lượng”, nhiều mô hình liên kết, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường cũng đã được hình thành, phát triển ngày một lớn mạnh, với sản phẩm hàng hóa rất đa dạng. Có thể kể tới một số HTX điển hình như: HTX gốm sứ Tân Thịnh (huyện Gia Lâm), HTX Đồng Tâm (huyện Thanh Trì), HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), HTX sơn khảm Ngọ Hạ (huyện Phú Xuyên), HTX thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng (huyện Sóc Sơn)…
“Công nghiệp xanh” mang lại giá trị bền vững
Để các HTX sản xuất “xanh” thực sự có hiệu quả, theo ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, để gắn công tác BVMT với đời sống và sản xuất trong khu vực kinh tế tập thể, HTX cần đẩy mạnh mối liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học và HTX, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực này.
Cần xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư công nghệ mới, thân thiện với môi trường cho khu vực HTX.
Hà Nội luôn quan tâm để các HTX công nghiệp thực hiện "xanh hóa" các hoạt động sản xuất, phục vụ đời sống của người dân. |
Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, các HTX cần đổi mới trang thiết bị, máy móc công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường phục vụ sản xuất kinh doanh, thay thế dần công cụ thủ công, lạc hậu, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ ngân sách hoạt động BVMT, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển các mô hình HTX sản xuất xanh.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ chia sẻ, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, làng nghề mây tre đan Phú Vinh đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm do hoạt động sản xuất mây tre đan không dễ nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.
Do đó, HTX đã thực hiện tập trung được khâu xử lý nguyên liệu đảm bảo được tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời HTX đã đầu tư công nghệ xử lý chất thải ra môi trường. Tiếp đó là tuyên truyền cho người dân hiểu và áp dụng quy cách sản xuất mới, đảm bảo để sản phẩm được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Hiện, nhiều HTX đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường, xây dựng, phát triển các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào GRDP của thành phố mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
“Hiện, Hà Nội cũng đưa ra nhiều phương án hỗ trợ để các HTX có thể phát triển đa dạng với hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường. Thông qua phát triển kinh tế tập thể, HTX để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên HTX và nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội, an ninh trật tự”, ông Mai Trọng Thái cho hay.
Kim Yến