Ngày 11/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và ông Du Kiến Hoa - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (nghị định thư). Nghị định thư kéo dài trong 3 năm. Như vậy sau chanh leo, sầu riêng là loại trái cây tiếp theo của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Cơ hội xuất khẩu số lượng lớn
Theo đánh giá của các đơn vị tham gia xuất khẩu nông sản, cơ hội xuất khẩu chính sầu riêng sang đất nước tỷ dân là không hề nhỏ nên cần nắm bắt kịp thời. Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết hiện sầu riêng của Việt Nam đã được chấp nhận ở một số thị trường như Úc, Hoa Kỳ... nhưng xuất đi số lượng khiêm tốn. Việc Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu sầu riêng chính ngạch thì cũng đồng nghĩa với việc, đầu ra cho loại nông sản này được rộng mở. Bởi theo bà Vi, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến khoảng 70%.
Trước thông tin sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhiều HTX cũng rất hào hứng bởi việc xuất khẩu chính ngạch sẽ hạn chế được nhiều rủi ro hơn hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.
HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Tấn Khang (Đăk Lăk) hiện có 400 thành viên với diện tích hơn 500 ha sầu riêng. Nếu như trước đây các thành viên, hộ dân thường rất lo lắng mỗi khi đến vụ thu hoạch thì nay, áp lực đó đã được tháo gỡ phần nào.
Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giúp người dân, HTX vơi bớt nỗi lo đầu ra mỗi khi chính vụ. |
Bà Trần Thị Hường, Giám đốc HTX cho biết những thị trường cao cấp như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… thực tế tiêu thụ không lớn lượng sầu riêng của Việt Nam vì yêu cầu chất lượng rất cao. Chính vì vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường có dư địa lớn về đầu ra cho HTX.
“Các thị trường Hàn Quốc, Mỹ vẫn nhập sầu riêng nhưng họ nhập cả tháng không bằng Trung Quốc nhập một hai ngày”, bà Hường chia sẻ.
Niềm vui của các HTX, doanh nghiệp xuất khẩu là điều dễ hiểu vì khi xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sẽ đồng nghĩa với việc giao dịch thông qua hợp đồng và các chứng từ thương mại hóa đơn, vận đơn, kiểm dịch, C/O… Cùng với đó, khối lượng hàng hóa xuất khẩu cũng lớn hơn giúp mang lại giá trị cao hơn.
Còn khi chưa ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, quả sầu riêng của Việt Nam phải xuất khẩu vào thị trường này dưới danh nghĩa sầu Monthong của Thái Lan hoặc Malaysia. Điều này không chỉ khiến HTX, doanh nghiệp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu mà còn gia tăng rủi ro và chi phí vận chuyển.
“Xuất khẩu tiểu ngạch do không có hợp đồng hoặc không đầy đủ các chứng từ thương mại. Hơn nữa, việc giao dịch tiểu ngạch thường chỉ được thực hiện theo hình thức thanh toán tiền mặt, hàng đổi hàng và giao hàng qua cửa khẩu phụ, lối mở nên rủi ro cao. Nhãn tiền là việc hàng bị trả về hoặc hư hỏng do Trung Quốc đóng biên thực hiện kiểm soát dịch như vẫn đang diễn ra”, bà Vi chia sẻ.
Đặc biệt, không riêng gì sầu riêng mà hầu hết các loại trái cây của Việt Nam được trồng chủ yếu theo quy mô hộ, nhà vườn, sau đó thuê xe chở lên biên giới hoặc bán cho thương lái thu gom sau đó đưa lên biên giới.
Bà Đặng Thị Túy Nga, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (Đồng Nai), cho biết cách làm trên tuy được gọi là xuất khẩu nhưng xét về hình thức bán hàng thì đó cũng chỉ giống như là cách trao đổi hàng hóa ở các chợ vì người bán có thể chưa biết chính xác người mua hàng bên kia biên giới là ai.
Đơn cử như một xe chở trái cây khi sang đến các cửa khẩu ở Lạng Sơn sẽ được thương lái Trung Quốc đến xem, mặc cả, lựa ra những quả còn tốt thì nhập, quả nào thối, hỏng thì bỏ lại. Như vậy, người bán hàng sẽ nhận phần thiệt nhiều hơn.
Với cách trao đổi hàng hóa bấp bênh như trên, rủi ro khi nông sản vào mùa thu hoạch rộ là hiển nhiên. Lúc này nông sản sẽ được đưa lên các đường mòn, cửa khẩu với lượng lớn gây ùn tắc kéo dài.
Chính vì vậy, khi Nghị định thư được ký kết, giá cả sầu riêng sẽ không còn bấp bênh. Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cũng sẽ thu hút doanh nghiệp liên kết với người dân, HTX xây dựng mã số vùng trồng nhằm nâng cao chất lượng trái sầu riêng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Vượt thách thức
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, nước này yêu cầu tất cả các lô hàng đều phải có hồ sơ xuất khẩu, có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp, HTX phải áp dụng các biện pháp phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì.
Những yêu cầu trên cũng đồng nghĩa với việc chất lượng chính là điều kiện quan trọng trong xuất khẩu sầu riêng chính ngạch hiện nay. Để làm được điều này, các HTX đã mất không ít thời gian chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, chất lượng vùng trồng, cơ sở đóng gói…
Chẳng hạn như HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Tấn Khang đã phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để cấp mã số vùng trồng nhằm bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. HTX cũng có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại. Đặc biệt khi được cấp mã số vùng trồng, mọi thông tin về cây sầu riêng của từng thành viên HTX đều được thể hiện trên đó nên thuận tiện cho các nhà quản lý và phía Trung Quốc kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để bảo đảm xuất khẩu chính ngạch được bền vững thì việc đáp ứng các cầu kỹ thuật mà thị trường nhập khẩu yêu cầu trong lâu dài là điều HTX, doanh nghiệp cần lưu ý. Bởi cơ hội xuất khẩu thì đã có nhưng đi kèm với đó là không ít thách thức về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc đề ra. Các HTX, doanh nghiệp buộc phải hoàn thiện và phát huy được điều này trong lâu dài thì mới tận dụng được cơ hội xuất khẩu chính ngạch loại nông sản này.
Bà Ngô Tường Vy cho biết tại Trung Quốc, sầu riêng Thái Lan hiện được bán giá cao hơn sầu riêng Việt Nam gấp 1/3 lần. Nguyên nhân không phải ở “độ ngon” mà bởi vì sầu riêng của Thái Lan có thương hiệu, chất lượng đồng đều, bảo đảm tốt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng dịch Covid-19.
Chính vì vậy, muốn sầu riêng được hưởng những giá trị từ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, theo bà Vi, các HTX cần chú trọng đến việc tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia, đi liền với đó là chú trọng bảo đảm các yêu cầu về kiểm dịch và vệ sinh thực phẩm ngay tại vùng trồng. Điều này sẽ giúp trái sầu riêng Việt Nam có thể cạnh tranh được với Thái Lan tại Trung Quốc về lâu dài.
Từng là đơn vì có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây, ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX cây ăn trái Thái Thanh (Cần Thơ) cho hay thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mong muốn của HTX là được hỗ trợ để được cấp mã số vùng trồng riêng thuộc sở hữu của HTX để chủ động mua bán với đối tác và bao tiêu đầu ra thay vì mã số vùng trồng hiện thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp thu mua. Bên cạnh đó, HTX cũng mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ người nông dân, HTX sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Huyền Trang