Với 136 tiểu dự án các công trình giao thông và thủy lợi nội đồng, nhà kho, lò sấy…, Dự án đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại niềm tin, niềm phấn khởi thi đua sản xuất, hình ảnh HTX được khang trang và đổi mới cùng nhiều kỳ vọng của người dân trên địa bàn.
Nhiều HTX được hỗ trợ
Tại tỉnh Đồng Tháp, HTX Dịch vụ nông nghiệp số 2, huyện Cao Lãnh sau thời gian nỗ lực cũng đã có thể hài lòng với kết quả lúc này. Hiện nay, HTX đã được dự án VnSat đầu tư 4 trạm bơm, 1 kho chứa, 2 máy tách hạt, 1 máy đóng bao bì tự động, thay thế cho trạm bơm đang phải thuê và nhà kho đang xuống cấp.
Ông Lê Giang Sơn, Giám đốc HTX cho biết: "Đến thời điểm này, HTX "rất khỏe", khi có kho thì HTX sẽ vận động thành viên làm giống, HTX sấy tại đây và tách hạt tại đây luôn. Nhờ có hạ tầng mà HTX đã liên kết với Công ty Hiếu Nhân bao tiêu lúa chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thành viên".
Đường giao thông nội đồng được nâng cấp theo dự án VnSat (Ảnh: TL) |
Xã Tân Phước, huyện Tân Bình là địa phương có 2 HTX được đầu tư cơ sở hạ tầng. HTX Dịch vụ nông nghiệp số 1 Tân Phước có diện tích nông nghiệp là 60ha, sau quá trình nỗ lực phấn đấu theo chỉ tiêu của dự án VnSat, hiện HTX đã được đầu tư 2 trạm biến áp, 1 đường dây trung thế cùng 2 đường giao thông nội đồng đúng theo mong mỏi của HTX thời gian qua.
Còn tại Long An, dự án VnSat hỗ trợ đợt 1 cho 5 HTX: Đồng Đưng (thị xã Kiến Tường), Gò Gòn (Tân Hưng), Hưng Phú (Vĩnh Hưng), Hương Trang, Bình Hòa (Mộc Hóa) đầu tư kết cấu hạ tầng, thiết bị thiết yếu phục vụ sản xuất như 2 máy cuộn rơm, 2 lò sấy, 2 kho trữ lúa và nhà bao che lò sấy, 3 trạm bơm điện, 1 trạm biến áp, 3 đường giao thông nội đồng (dài 8,6 km) và 1 cây cầu dân sinh với kinh phí 32,41 tỷ đồng. Đợt 2 cho 4 HTX với 3 tuyến đường giao thông nội đồng, 1 cây cầu giao thông nông thôn, 1 thiết bị sấy với kinh phí khoảng 44 tỷ đồng.
Nỗ lực hoàn thành giai đoạn cuối năm 2020
Với tổng số vốn lên đến 301 triệu USD, dự án VnSat có thể nói là “đại dự án” của ngành nông nghiệp, việc hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX theo Luật HTX và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của HTX và thành viên. Với 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê, dự án VnSat đã khẳng định kết quả tác động rõ nét thông qua việc thay đổi nhận thức của người nông dân, tiến tới hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng tại 2 vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các HTX được hỗ trợ hạ tầng, thiết bị sản xuất nông nghiệp (Ảnh: TL) |
Các hoạt động của dự án từ tập huấn về xây dựng cơ bản, kỹ thuật canh tác lúa và tái canh cà phê bền vững. Đồng thời đã thực hiện trên 150 điểm trình diễn phục vụ các lớp tập huấn kỹ thuật lúa, cà phê. Các kỹ thuật, công nghệ lựa chọn áp dụng đều hướng tới sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng, an toàn và hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái. Thông qua hoạt động này, chi phí sản xuất đối với lúa gạo giảm xuống còn 7-12% và đối với cà phê giảm xuống từ 10-15%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Trưởng ban chỉ đạo dự án cho biết, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện giai đoạn 2016-2020, đây là thời điểm gấp rút mà ngành nông nghiệp phải tập trung cao độ, dự án VnSat cần tăng tốc để về đích đúng kế hoạch, năm nay cũng sẽ đẩy mạnh việc hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng cho các HTX tham gia dự án, đào tạo kiến thức chuyên sâu về quản lý kinh doanh và xúc tiến thương mại, xây dựng hệ sinh thái sản xuất, thương mại và phân phối sản phẩm thông qua việc tích hợp công nghệ 4.0, đóng góp tích cực cho công cuộc tái cơ cấu chung của toàn ngành.
Châu Thành