Mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa đã được khẳng định là mô hình sản xuất bền vững, đảm bảo môi trường. Lợi thế và ưu điểm của mô hình là tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường.
Tạo ra sản phẩm an toàn
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc cùng trồng lúa và cùng nuôi tôm không xảy ra xung đột trong quá trình sản xuất mà là mô hình thông minh. Trong hệ thống canh tác tôm-lúa, hạn chế sử dụng hoá chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thuỷ văn, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao giá trị hàng hoá, tăng lên từ 2-3 lần so với chỉ trồng cây lúa. Ngoài ra, mô hình này giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, "lão hoá" vùng nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, tạo điều kiện giúp nghề nuôi trồng phát triển bền vững.
Một trong những ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích chính là làm thay đổi tập quán, tư duy sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân (sử dụng vôi hay các loại hoá chất khác trong xử lý ao nuôi). Tập quán và thói quen canh tác này về lâu dài sẽ làm cho đất bị “vôi hoá” và ô nhiễm môi trường từ các hoá chất không rõ nguồn gốc. Ngược lại, sử dụng các chế phẩm vi sinh sẽ góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm sạch.
Nuôi tôm kết hợp với lúa ở ĐBSCL đảm bảo an toàn môi trường. (Ảnh: TL) |
Tại Bạc Liêu, thủ phủ của mô hình nuôi tôm – lúa, từ lâu đã lan toả mô hình này theo hướng hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm-lúa.
Ông Dương Văn Hào, Giám đốc HTX Quyết Tâm (xã Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trước đây, nông dân hay sử dụng vôi để xử lý môi trường ao nuôi, thì nay đã sử dụng chế phẩm vi sinh. Do vậy, chất lượng nước, môi trường cải thiện đáng kể và có trên 80% nông dân nuôi tôm hiệu quả. Theo đó, HTX đã vận động nông dân trong khu vực ô đê bao ấp Phước Thạnh áp dụng mô hình nuôi tôm sạch và lúa sạch để tạo ra sản phẩm sinh thái, HTX cũng đã liên kết với các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp đưa ra quy trình và hướng dẫn nông dân trong HTX sản xuất, sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Mạnh dạn chuyển sang tư duy thị trường
Ông Như Văn Cẩn, Vụ Nuôi trồng thuỷ sản, Bộ NN&PTNT khẳng định “mô hình tôm-lúa là mô hình thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 120 của Chính phủ. Các mô hình phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản ĐBSCL thích ứng với vùng hạn mặn, mô hình không chỉ đảm bảo sinh kế cho người dân mà còn là giải pháp căn cơ giúp người dân ĐBSCL “thuận thiên” tiến tới phát triển bền vững trong thời gian tới”.
Tham gia chuỗi liên kết sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa bền vững (Ảnh: TL) |
Theo PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, việc nuôi trồng thuận theo tự nhiên, quy hoạch các giống cây, con phù hợp với thổ nhưỡng sẽ giúp biến thách thức thành cơ hội, giảm chi phí cải tạo đất, nước… một cách không cần thiết. Ngoài ra, mô hình tôm-lúa còn có khả năng phát triển trong điều kiện nước biển xâm nhập, bảo vệ môi trường; sản phẩm lúa an toàn vì nông dân ít dung thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực chỉ đạo, vận động nông dân tham gia sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi, nhằm tạo ra hàng hoá lớn, chất lượng đồng nhất và dễ tiêu thụ. Đó là thành lập mỗi xã ít nhất 1 HTX gắn với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm cho HTX. Đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi, giao thong, điện, vốn… cho vùng sản xuất lúa-tôm. Xây dựng những vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ASC, Organic… để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật hoặc các thị trường tiềm năng khác nhằm tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập. Ngoài ra, nông dân cũng cần thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang tư duy về thị trường, xem khoa học-công nghệ là khâu đột phá, chất lượng làm thước đo và cạnh trang bằng chất lượng sản phẩm.
Đoàn Huyền