Với quy mô chuyên sâu, chuyên ngành từng lĩnh vực sản xuất, HTX chuyên ngành đang tập trung tiếp cận bài toán kinh tế theo hướng làm sao tăng được giá trị sản phẩm và lợi nhuận trên cơ sở giảm giá thành đầu vào và các chi phí trung gian trong quá trình sản xuất, tiêu thụ.
Đáp ứng được yêu cầu thị trường
Mô hình HTX chuyên ngành đang là mô hình rất phổ biến hiện nay, HTX có quy mô không lớn chỉ từ 7 đến vài chục thành viên, cùng nhau sản xuất một hay một nhóm sản phẩm. Sự thôi thúc về nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa và nâng cao thu nhập khiến các hộ, trang trại phải cùng nhau hợp tác, liên kết tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm. HTX thực thi vai trò là người tổ chức sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Tuy số lượng thành viên không nhiều nhưng quy mô, giá trị sản lượng sản phẩm của HTX lại khá lớn. Doanh thu trung bình của một HTX loại này có thể đạt từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/năm.
Siêu thị mini giới thiệu sản phẩm sạch của HTX Sáu Nhung (ẢNh: TL) |
Điển hình như HTX nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chuyên sản xuất các loại nấm, nấm dược cung cấp cho siêu thị, cửa hàng nông sản cà các công ty xuất nhập khẩu thực phẩm và liên kết với Tập đoàn Alibaba để xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài.
HTX nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum) trồng cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tưới tiêu, phun mưa tự động, các sản phẩm của HTX chế biến ra đều được quản lý, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX đã thực hiện liên kết với Công ty An Phát phân phối sản phẩm.
HTX rau an toàn Tự Nhiên (Sơn La) đã ký kết hợp đồng liên kết với nhiều siêu thị trên thị trường Hà Nội; HTX chăn nuôi, thủy sản Gò Công (Tiền Giang) tổ chức cho nông dân, hộ thành viên chăn nuôi gà an toàn…
Đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị
Hiện nay, các HTX chuyên ngành đã và đang đảm nhiệm được nhiều khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm như: tổ chức sản xuất tập trung, nhất là sản xuất cây con giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp; tổ chức chế biến, bảo quản, phân phối, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm riêng của HTX và xuất khẩu sản phẩm. Các HTX chuyên ngành này thường có đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn khá trẻ có trình độ quản lý chuyên nghiệp, am hiểu thị trường. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như kho bãi, nhà xưởng, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến, thương mại cũng được các HTX đầu tư rất lớn.
Đóng gói sản phẩm tại HTX Anh Đào (ẢNh: TL) |
Giám đốc HTX nông nghiệp Tam Hưng (Hà Nội) Đỗ văn Kiên cho biết, tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội từ năm 2012 đến nay, HTX đang duy trì 400 ha trồng lúa bắc thơm số 7 và gần 250 ha lúa nếp cái hoa vàng. HTX đã liên kết với Công ty giống cây trồng TW, Công ty CP gạo Bảo Minh trong việc cung ứng giống, chuyển giao công nghệ gieo trồng và ký kết tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019 chuỗi lúa gạo của HTX nông nghiệp Tam Hưng được Liên minh HTX Hà Nội lựa chọn hỗ trợ xây dựng sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.
HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng Hợp Anh Đào (Lâm Đồng) sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP với 60 chủng loại rau, liên kết với các siêu thị và trực tiếp tiêu thụ trên 52 tỉnh trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ngoài ra, nhiều HTX như: HTX thanh long Tầm Vu, HTX xoài La Ngà (Đồng Nai), HTX bò sữa Evergrowth…đều đang tích cực hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bảo Ninh