Có thể thấy, tín dụng ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các HTX, trong đó có HTX nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất cho thành viên, tạo điều kiện cho HTX mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đa dạng hóa sản phẩm phù hợp
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giai đoạn từ 2003 - 2019, doanh số cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể đạt 69.147 tỷ đồng, bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt 9.878 tỷ đồng; số khách hàng còn dư nợ tăng từ 787 khách hàng năm 2003 lên 1.808 khách hàng còn dư nợ thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các HTX, liên hiệp HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tăng từ 114 tỷ đồng năm 2003 lên 771 tỷ đồng năm 2019.
Cần giải pháp đột phá cho tín dụng nông nghiệp (Ảnh: TL) |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, hiện nay, NHNN đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên.
NHNN cũng đã triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, HTX nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Hưng khẳng định: Ngành ngân cũng đã cũng đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với đối tượng là các HTX nông nghiệp tiếp cận vốn như: Tập trung vốn hỗ trợ cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay; phát triển nhiều loại hình sản phẩm cho phù hợp với đối tượng là HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp…
Theo ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ HTX nông nghiệp Hà Nội: "Để các HTX nông nghiệp tháo được điểm nghẽn về vốn cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành liên quan, chứ chỉ một mình ngành ngân hàng không thể tùy tiện “xé rào” quy định để làm được. Có như vậy, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch mới có cơ hội để phát triển".
Hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp
Tín dụng ngân hàng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Ảnh: TL) |
Để HTX gắn với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là hoạt động sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, có tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân, các HTX cần khắc phục được những khó khăn, bất cập nội tại của chính HTX như thực hiện việc chuyển đổi và hoạt động tuân thủ các nguyên tắc của Luật HTX 2012, Điều lệ và các quy định của pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động thông qua việc tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, đặc biệt là học tập kinh nghiệm của các HTX có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng, từng địa phương cũng cần thường xuyên rà soát, đánh giá các HTX; tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm nợ đọng kéo dài, giải thể những HTX hoạt động kém hiệu quả, đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa. Thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức đầu tư liên kết.
Châu Thành