Nhận định trên được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX về Kế hoạch tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.
Số lượng HTX tăng nhanh
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, khu vực KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến hết tháng 10/2018, cả nước có 13.152 HTX và khoảng 65.000 tổ hợp tác (THT) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 7.700 HTX kiểu mới và khoảng 5.450 HTX kiểu cũ chuyển đổi theo Luật.
Số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2016 là 1.147 HTX, năm 2017 là 1.275 HTX và năm 2018 ước tính sẽ là 2.100 HTX (từ đầu năm đến nay cả nước đã thành lập được 1.790 HTX nông nghiệp).
Doanh thu trung bình của HTX đạt 1,1 tỷ đồng/năm, cao gấp hơn 1,5 lần so với năm 2012 khi Quốc hội ban hành Luật HTX mới.
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Luật, đến nay cả nước đã giải thể được gần 3.000 HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém, hoặc đã ngừng hoạt động.
Do vậy, cả nước hiện chỉ còn 795 HTX nông nghiệp yếu kém cần phải giải thể. Việc thành lập các HTX kiểu mới và giải thể các HTX yếu kém đã giúp khu vực KTTT ngày càng trở nên lành mạnh, hiệu quả.
Ngoài ra, tỷ lệ các HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho nông dân tăng mạnh sau khi có Luật HTX 2012, từ dưới 10% lên 20,5%. Tỷ lệ các HTX nông nghiệp được đánh giá hoạt động hiệu quả đã tăng từ chưa đầy 30% trước năm 2013 lên 46% vào năm 2017. Dự kiến năm 2018, tỷ lệ HTX khá giỏi có thể đạt 50 - 55%.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, bên cạnh sự phát triển của khu vực KTTT, HTX nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Cụ thể, quy mô về thành viên, vốn góp hay doanh thu, lãi của HTX vẫn còn nhỏ (doanh thu 1,1 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 300 triệu đồng/ HTX/năm), số lượng các HTX có dịch vụ tiêu thụ, chế biến nông sản chưa nhiều.
Hạ tầng phục vụ sản xuất (kho tàng, trạm bến, cơ sở chế biến…) xuống cấp và lạc hậu. Đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn của HTX chưa qua đào tạo còn cao. Đặc biệt, đóng góp vào GDP của khu vực KTTT nói chung còn thấp, khoảng 5 - 6%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, ghi nhận hiện nay khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, tỷ lệ HTX làm ăn khấm khá ngày càng tăng. Tuy nhiên, để năm 2020 có 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả vẫn là thách thức lớn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Gian nan 15.000 HTX hiệu quả
Từ thực tiễn phát triển KTTT, HTX thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra yêu cầu với các bộ, ngành cần xác định rõ những vướng mắc, rào cản để tháo gỡ, tìm ra điển hình mới, động lực mới, hướng đi mới, tạo động lực cho loại hình KTTT, HTX phát huy hiệu quả hơn nữa.
Trong đó, cần khuyến khích phát triển bền vững KTTT, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình KTTT hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần đánh giá thực trạng và vai trò của quản lý nhà nước, các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, vai trò của Liên minh HTX.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cần tổng kết từ cơ sở, cấp đứng ra tổ chức là cấp tỉnh. Ngoài việc tổ chức tổng kết theo địa bàn, kế thừa kinh nghiệm Sơ kết 5 năm thực hiện Luật HTX, các Bộ cần chủ trì tổng kết theo lĩnh vực chuyên đề.
Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX mà trực tiếp là Bộ KH&ĐT và Liên minh HTX Việt Nam tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về thực thi chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển HTX, các vấn đề về đất đai, tín dụng, đào tạo, kinh nghiệm quốc tế…
Dự kiến, Trung ương sẽ tổ chức đoàn khảo sát đi một số địa bàn trọng điểm, mang tính chất vùng miền, để nghiên cứu một số mô hình mới thành công, những nơi còn vướng mắc.
Thời điểm tổng kết cần được tính toán tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đại hội Đảng các cấp. Việc tổng kết ở cấp Trung ương do Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Hồng Nhung