Trong 4 tháng đầu năm 2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô. Dự báo năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng đạt khoảng 40 tỷ USD.
Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ của các mặt hàng nông sản cũng ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Tuy nhiên, nền nông nghiệp nước ta hiện nay vẫn chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm, nên hiệu quả kinh tế chưa cao, khâu tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn.
HTX - lời giải cho điểm nghẽn
Hiện nay, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỷ USD. Mặt hàng rau quả xuất khẩu đã chính thức soán ngôi dầu thô, nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong năm nay.
Năm 2018, chúng ta cũng chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa của ngành nông nghiệp, đó là lần đầu tiên tổ chức hội nghị gạo thế giới, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu manh mún, quy mô nhỏ, tình trạng nông sản nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu, tình trạng này xuất hiện khá phổ biến do không có liên kết với thị trường.
Theo quy luật của thị trường, cung nhiều hơn sẽ làm giá không tốt được, nhưng nếu làm tốt khâu tiêu thụ thì sẽ vẫn bán được với giá tốt. Khâu kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, kết nối cung cầu vẫn đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản của ngành nông nghiệp.
"Vì vậy, làm thế nào để khuyến khích nhiều DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp, dẫn dắt chuỗi liên kết này là vô cùng quan trọng", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết ở nước ta, đã có nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp. DN thuê lại đất của nông dân hoặc DN ký hợp đồng sản xuất với nông dân, sau đó thu mua sản phẩm.
Trong quá trình sản xuất, các DN đã có nhiều hỗ trợ cho nông dân khâu đầu vào sản xuất, tư vấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giám sát quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Tuy nhiên, trong chuỗi này, rất cần người đại diện cho hộ nông dân, thay vì DN, phải làm việc với từng hộ. Đây cũng là một trong lý do mà Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án phát triển 15.000 HTX kiểu mới, giải pháp hiệu quả giúp nông dân phát triển sản xuất, nông sản làm ra tiêu thụ dễ dàng hơn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
"Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề xây dựng chuỗi giá trị nông sản và đã có hàng loạt chương trình, nghị quyết, trong đó phải kể đến một số thông tư hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Nghị định 98 của Chính phủ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết và sản xuất tiêu thụ nông sản. Gần đây, Chính phủ còn ban hành Nghị định 146 về tín dụng trong nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ tín dụng để khuyến khích nông dân, DN tham gia phát triển các chuỗi liên kết", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp |
Ngân hàng sẵn sàng cho HTX vay vốn
Về vấn đề vốn tín dụng, Phó Tổng Giám đốc Agribank - ông Phạm Toàn Vượng, cho biết tính đến 30/9/2018, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 950.000 tỷ đồng, phục vụ trên 4 triệu khách hàng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt gần 675.000 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, với 3,3 triệu khách hàng.
Tuy nhiên, ông Vượng cũng cho hay: "Với câu chuyện về nguồn vốn, thực tế, nông dân kêu cái gì cũng có rồi nhưng lại thiếu vốn. Trong khi đó các ngân thàng thì vốn đầy đủ, vốn đã sẵn sàng, nhưng lại thiếu khách hàng. Cung - cầu chưa gặp nhau do còn nhiều khó khăn, mặc dù các ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ người nông dân".
"Chúng tôi chủ động cho vay nông nghiệp với gói ưu đãi 50.000 tỷ đồng trước khi Chính phủ yêu cầu, mức lãi suất 6.5%/ năm, thế nhưng hiện nay giải ngân mới đạt 10.000 tỷ" ông Vượng cho biết.
Ông Vượng cũng nhấn mạnh, rằng: "Nhiều trang trại đến với chúng tôi, giá trị thế chấp thấp. Nhiều DN tài sản chưa có giấy tờ, đất khai hoang nên rất khó giải quyết cho vay hay vấn đề phương án kinh doanh, thông tin chưa minh bạch. DN có dự án, nhưng dự án này ai là người làm. Nếu là các tổ chức lớn thì chúng tôi luôn sẵn sàng cho vay, không cần phải đợi đến khi Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nghị định 55 hay Nghị định 116".
Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết đối với chính sách tín dụng của ngành ngân hàng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NHNN xác định đây là ưu tiên để chỉ đạo các tổ chức tín dụng sắp xếp nguồn vốn cho lĩnh vực này, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, phát triển của ngành và của DN.
Nhận định về mối liên kết giữa các bên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải tăng cường thúc đẩy hơn nữa liên kết giữa 5 nhà (nhà nông, nhà băng, nhà DN, nhà khoa học và Nhà nước), trong đó vai trò dẫn dắt của HTX rất quan trọng, là cầu nối liên kết giữa nông dân với DN. Tuy nhiên, chủ động tham gia vào mối liên kết này vẫn phải là người nông dân, Nhà nước chỉ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ.
"Chính phủ xin hứa với nông dân sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư, đi chợ cùng nông dân", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bạch Linh